Nhà xuất bản

Công ty phát hành

Kích thước

Số Trang

NXB Dân trí
Nhà sách AlphaBooks
13 x 20.5 cm
332

Vô Cùng Tàn Nhẫn, Vô Cùng Yêu Thương (Tập 2)

Vì trái tim có hình ngọn lửa, nên dù yêu con đến mấy, cha mẹ cũng cần phải biết “tàn nhẫn”, cần phải đẩy con ra khỏi vòng tay ấm áp của mình, dằn lòng tập cho con quen với nghịch cảnh và cố giữ một ánh nhìn lạnh nhạt để con tự chống chọi với khó khăn. Cha mẹ chỉ nên đứng từ xa, dùng tình yêu thương của mình để thắp lên ngọn lửa nghị lực, giúp con trưởng thành với một trái tim quả cảm, nhiệt thành và mạnh mẽ. Và như vậy, “tàn nhẫn” cũng là “yêu thương”, một dạng thức yêu thương có trách nhiệm để đem lại cho gia đình một đứa con ngoan, và trao cho xã hội một công dân tốt.

Đang xem: Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương tập 2

Sara Imas là một bà mẹ Trung Quốc mang trong mình dòng máu Do Thái. Sau khi quan hệ Trung Quốc – Israel được thiết lập, trước tiếng gọi trở về của cố hương, Sara đã từ bỏ cuộc sống an yên ở Thượng Hải, mang theo ba đứa con thơ để trở về Israel, nơi đồng bào của bà đang phải ngày ngày chịu đựng khói lửa chiến tranh, bắt đầu một trải nghiệm giáo dục đặc biệt của mình. Khác với tập 1, “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương 2” đã đối chiếu một cách biệt lập giữa phương thức nuôi dạy con của người Trung Quốc và người Israel. Tác giả không ngần ngại phơi bày những bất cập vốn tồn tại đã lâu trong cách nuôi dạy con của người Trung Quốc, đồng thời nêu bật những quan điểm về tình mẫu tử, những giá trị thiết thực trong nền giáo dục Do Thái.

Với những trải nghiệm trong môi trường sống mới này, Sara đã quyết tâm rũ bỏ hình tượng của một “bà mẹ trực thăng” luôn nuông chiều, quán xuyến mọi việc cho con để trở thành một bà mẹ lý trí, biết gửi gắm tình yêu con cái của mình dưới một vỏ bọc sắt đá, kiên trì và đầy tính cương quyết.

Làm mẹ chưa bao giờ là điều dễ dàng, đôi khi chúng ta phải mất cả đời để tìm ra con đường trở thành một người mẹ tốt. Mẹ không chỉ là một thiên chức mà còn là tấm gương về cách ứng xử. Hy vọng rằng cuốn sách này sẽ đem đến những phút giây trải nghiệm thú vị, những bài học quý giá và một góc nhìn khác về tình yêu thương cho các bậc cha mẹ Việt Nam trong quá trình nuôi dưỡng những mầm xanh của mình.

Mỗi lần đi diễn thuyết ở đâu đó, có rất nhiều người thường hỏi tôi rằng: “Sara, sao cô có thể nuôi dạy được cả ba người con đều giỏi giang như vậy?”

Thực ra, điều khiến tôi tự hào không phải là việc ba đứa con tôi đều giỏi giang, giàu có, mà là chúng đều hiếu thuận, lương thiện và có giáo dục, không bao giờ ỷ vào chút tiền bạc mà ngang ngược, tùy tiện, muốn làm gì thì làm.

Tôi vẫn thường chia sẻ với mọi người rằng, tôi cho ba đứa con tôi ba chiếc chìa khóa. Đó là chìa khóa của sự kiên cường, tự tin và khoan dung. Đến bây giờ, mỗi đứa đã báo đáp lại tôi một chiếc chìa khóa: con trai lớn tặng tôi chìa khóa một chiếc xe ô tô, con trai thứ hai tặng tôi chìa khóa một căn hộ, còn con gái út hứa tặng tôi chìa khóa một két sắt với đầy trang sức đắt tiền.

Không chỉ với tôi, đối với những ai cần sự giúp đỡ, các con tôi cũng cố gắng hết sức để giúp họ. Công việc của chúng rất bận rộn, không có nhiều thời gian rảnh nhưng cứ mỗi tháng chúng lại trích ra một chút tiền đưa cho tôi đi làm từ thiện.

Ngay ở đây, tôi có thể quả quyết rằng: những cống hiến của các con tôi đối với xã hội chủ yếu là nhờ vào giáo dục gia đình. Ngay từ khi các con còn nhỏ, tôi đã chú trọng việc giáo dục nhân cách cho chúng, dạy chúng về chân, thiện, mỹ. Vì thế, bây giờ dù có thành công đến đâu, chúng vẫn luôn giữ được một trái tim hướng thiện và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Dĩ Hoa, con trai cả của tôi làm việc tại Bộ Lao động Israel, là công chức người Hoa đầu tiên tại Israel, luôn vô cùng quan tâm và hết lòng giúp đỡ những người lao động Trung Quốc tại Israel.

Bộ Lao động bắt giữ rất nhiều công nhân lao động phi pháp không chịu về nước khi hết hạn, trong số đó có không ít người Trung Quốc. Để tiếp tục mưu sinh tại đây, những người này thường có những hành động vô cùng tiêu cực. Ví dụ, khi người của Bộ Lao động đến kiểm tra đột xuất, có những người làm việc tại nhà hàng chạy thẳng vào bếp tự lấy dao cắt tay mình; có những người tự nhảy lầu để làm gãy chân gãy tay mình; còn những lao động làm việc trên công trường, không có chỗ nào để trốn chạy liền nhặt ngay một thanh thép đập vào đầu mình. Vì khi bị thương như vậy họ sẽ được đưa vào viện và không bị trục xuất về nước ngay lập tức, do đó sẽ có thời gian tìm cách trốn thoát trên đường đến bệnh viện.

Những người lao động này thường phải chịu gánh nặng tâm lý và áp lực kinh tế vô cùng nặng nề, luôn luôn phải chống chọi trên ranh giới giữa sống và chết. Để đến được đây làm việc, họ đã mất một khoản tiền lớn cho bên trung gian, nên nếu bị bắt, số tiền vay mượn bỏ ra trước đó sẽ không thể kiếm lại được, vậy thì lấy tiền đâu ra để trả nợ?

Chứng kiến những cảnh tượng này, Dĩ Hoa cảm thấy vô cùng đau lòng, nhưng không thể làm gì để thay đổi mà chỉ biết cố gắng hết sức trong khả năng của mình để giúp đỡ những người đó, trong điều kiện không vi phạm luật pháp hay quy tắc nghề nghiệp. Mỗi lần đi kiểm tra, Dĩ Hoa thường nhận đi đầu vì hầu hết người Hoa tại Israel đều biết mặt Dĩ Hoa, chỉ cần nhìn thấy nó là họ sẽ biết để chạy. Làm như vậy sẽ giảm thiểu số lượng người lao động bị bắt, giúp cho những người lao động không có visa làm việc này có đường thoát thân.

Đương nhiên cũng vẫn có người bị bắt, và họ sẽ bị trục xuất về nước ngay sau đó. Thông thường, những người lao động sẽ bị ông chủ giữ lại một tháng tiền công và nếu thấy người lao động bị bắt, những ông chủ này sẽ lập tức giở trò, không chịu thanh toán tiền công cho họ. Có những người thậm chí đến hai tháng liền không được trả lương, phải đợi công trình hoàn tất xong xuôi mới được thanh toán. Nếu như tháng sau đến hẹn trả tiền công mà tháng này người lao động bị bắt thì ông chủ sẽ không thanh toán cho họ. Chính vì thế con trai Dĩ Hoa của tôi thường xuyên làm cầu nối giữa Đại sứ quán, Bộ Lao động và những ông chủ này để hy vọng có thể giúp người lao động đòi lại số tiền công mà họ đáng được hưởng. Những việc này không nằm trong phạm vi chức trách nhiệm vụ của Dĩ Hoa, nhưng vì mang trong mình một phần dòng máu của người Hoa, cộng thêm ảnh hưởng từ giáo dục gia đình nên cháu thường không ngần ngại ra tay giúp đỡ những người lao động Trung Quốc và đã nhận được không biết bao nhiêu lời cảm ơn từ họ.

Có một cái vòng luẩn quẩn là hộ chiếu của người lao động cũng thường bị ông chủ giữ lại, khi người lao động bị bắt, những ông chủ này không chịu trả lại hộ chiếu cho họ vì với mỗi cuốn hộ chiếu được đưa ra, họ sẽ bị phạt một mức cố định. Nhưng Dĩ Hoa kiên quyết thiết lập một cơ chế bắt buộc những ông chủ này phải trả tiền công cho người lao động Trung Quốc không thiếu một xu. Và lần nào Dĩ Hoa cũng đòi lại được toàn bộ số tiền công cho người lao động Trung Quốc để họ yên tâm về nước.

Sau khi bị bắt một thời gian, những người lao động phi pháp sẽ bị trục xuất về nước. Nếu như đến lúc đó họ vẫn chưa nhận được tiền công của mình thì Dĩ Hoa sẽ tìm cách giúp họ trì hoãn thời gian bị trục xuất, đồng thời quyết liệt yêu cầu ông chủ của họ thanh toán tiền, để qua đó phần nào an ủi tâm lý và giúp họ giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế.

Những nỗ lực và cố gắng của Dĩ Hoa đã khiến những người lao động Trung Quốc vô cùng cảm kích. Đại sứ quán Trung Quốc và những người đã từng nhận được sự giúp đỡ của Dĩ Hoa cũng thường xuyên gửi thiệp cảm ơn và thiệp chúc mừng cho thằng bé.

Xem thêm: Thống Kê Du Học Sinh Việt Nam Tại Nước Ngoài, Mỹ, Úc, Anh, Singapore,

Thực ra, những việc làm trên của Dĩ Hoa không nằm trong phạm vi chức trách nhiệm vụ công việc, Dĩ Hoa làm vậy cũng không phải để được nhận bằng khen của Đại sứ quán, thằng bé chỉ nói với tôi rằng: “Nhìn thấy những người lao động đó phải bất chấp cả tính mạng của mình để kiếm tiền mà vẫn bị ông chủ lừa gạt, con cảm thấy vô cùng đau lòng. Mẹ vẫn thường nói với chúng con rằng phải luôn biết giúp đỡ người khác. Trước đây, gia đình mình tuy nghèo khó nhưng mẹ vẫn dang tay giúp đỡ những người còn khó khăn, thiếu thốn hơn chúng ta. Con rất muốn giúp đỡ những người lao động đó, họ thực sự rất tội nghiệp.”

Nghe những lời đó của Dĩ Hoa, tôi cảm thấy vô cùng ấm áp. Thì ra những gì tôi nói, những điều tôi làm, các con tôi đều ghi nhớ và khắc sâu trong tim.

Tôi rất thích bài thơ Có một đứa trẻ ngày ngày đều tiến về phía trước của nhà thơ Mỹ Whitman. Khi con trai tôi có con, tôi cũng đọc bài thơ này cho cháu nghe:

Có một đứa trẻ ngày ngày đều tiến về phía trước

Cậu bé sẽ biến thành thứ đầu tiên mà cậu nhìn thấy

Thứ đầu tiên cậu bé nhìn thấy sẽ trở thành một phần con người cậu

Nếu đó là đóa tử đinh hương buổi sớm, nó sẽ trở thành một phần của cậu

Nếu đó là đồng cỏ hoang hỗn tạp, nó cũng sẽ trở thành một phần của cậu.

Điều đầu tiên con trẻ nhìn thấy và tiếp xúc chính là gia đình, là cha mẹ. Mỗi hành động của bạn, không khí gia đình mà bạn gây dựng, những điều nhỏ nhặt nhất mà bạn dạy dỗ sẽ quyết định xem con bạn sẽ trở thành một người như thế nào trong tương lai.

Dạy dỗ con thành người là một quá trình gian khổ mà các bậc phụ huynh phải kiên trì từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, chứ không thể chỉ trong một sớm một chiều.

Đương nhiên, trong xã hội hiện nay, những kỳ thi và kiểu giáo dục đối phó vẫn tồn tại, không thể thay đổi trong thời gian ngắn, do đó con cái chúng ta bắt buộc phải cố gắng hết sức để qua được chiếc cầu độc mộc này. Đây là sự thật mà chúng ta không thể thay đổi. Nhưng cùng với việc chấp nhận thực tế đó, chúng ta cũng không thể coi nhẹ một vài điều quan trọng khác.

Tôi luôn tin rằng trong quá trình trưởng thành của con cái, “thành người” còn quan trọng hơn nhiều so với “thành tài”.

Những vụ phạm tội của thanh thiếu niên đang gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm cha làm mẹ như chúng ta. Trong quá trình dạy dỗ con cái, nhất định phải dạy con thành người trước rồi mới dạy con thành tài, bằng không, đứa con mà chúng ta nuôi dưỡng ra sẽ không phải là nhân tài mà chỉ có thể là mối nguy hại cho xã hội.

Thành người trước, thành tài sau, và yếu tố cốt lõi để thành người chính là ở chữ “đức”. Chúng ta thường nhấn mạnh đến “đạo đức”, nhưng lại hay bỏ qua “mỹ đức”(1). Đạo đức là thứ gì đó rất chuẩn mực và quy phạm, quy định cái này phải thế này, cái kia phải thế kia; còn “mỹ đức” là tiếng gọi của tâm hồn, là một dạng đạo đức đã được cá nhân hóa. Rất nhiều biểu hiện của mỹ đức ở người khác sẽ khiến bạn cảm thấy thật thu hút và lôi cuốn, cho dù đó là nữ giới hay nam giới. Ngay từ khi các con còn nhỏ, tôi đã chú trọng đến việc dạy dỗ chúng thành người với hy vọng trong tương lai chúng sẽ trở thành những con người có trách nhiệm, có mỹ đức.

Trong giáo dục gia đình, chúng ta cũng phải lưu ý đến tầm quan trọng của văn hóa. Khi con bắt đầu cất tiếng khóc chào đời, điều đầu tiên các vị phụ huynh nên nghĩ đến trong đầu là: một sinh mệnh bé nhỏ đã đến với thế giới, bản thân mình phải có trách nhiệm như thế nào, chứ không thể coi con là một thứ đồ chơi. Rất nhiều ông bố bà mẹ có chung quan niệm rằng con cái chính là sự tiếp nối của cuộc đời mình, điều này là không phải nghi ngờ gì nữa, thế nhưng làm thế nào để bông hoa sẽ tiếp nối cuộc đời mình này nở rực rỡ hơn thì chúng ta không những phải chăm chỉ tưới tắm, mà còn phải cung cấp chất dinh dưỡng từ nền tảng văn hóa cho chúng. Để nuôi dưỡng một cái cây, bạn phải chăm chỉ tưới nước hằng ngày. Để nuôi dưỡng một đứa trẻ, bạn cũng cần phải cho chúng ăn uống. Nhưng chỉ như vậy là chưa đủ, bạn còn phải cho chúng cả một nền tảng văn hóa, đây chính là sự khác biệt đặc thù của con người.

Có người nói rằng, vì rất coi trọng giáo dục văn hóa nên ngay từ nhỏ họ đã cho con tham gia hết lớp học thêm này đến lớp giáo dục sớm nọ. Nhưng đó không phải là ý nghĩa thực sự của văn hóa. Ý nghĩa thực sự của nó nằm ở cái cây được nuôi dưỡng trong tâm những người làm cha mẹ, chứ không phải cứ sinh con ra rồi vứt ra ngoài xã hội, cho nó đi học hết lớp này đến lớp nọ. Lớp học thêm có nuôi dưỡng được đạo đức cho con không? Không thể. Lớp học thêm cũng chẳng thể nuôi dưỡng con cái bạn trở thành một đứa trẻ có “mỹ đức”. Sự cao thấp của học lực và bằng cấp chẳng hề liên quan gì đến việc một đứa trẻ có thành người được hay không.

Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến việc liệu con cái bạn có thành người được hay không, trong đó giáo dục gia đình là nhân tố trực tiếp và quan trọng nhất. Gia đình là trường học đầu tiên của con, cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con. Con trẻ giống như cây non mới mọc, rất cần sự chăm sóc, uốn nắn. Chăm sóc để chúng lớn lên khỏe mạnh, uốn nắn để tránh sinh ra những cành thừa hoặc những cành sâu đục, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển tốt hơn về sau. Những người làm cha mẹ không nên chỉ chú trọng phần “chăm sóc” mà quên đi mất phần “uốn nắn”, đừng chỉ chú trọng vào “vật chất” mà bỏ qua “phẩm chất”, đừng chỉ chăm chăm đến “thành tích” mà coi nhẹ “văn hóa”. Trong suốt quá trình giáo dục con cái, các bậc cha mẹ nhất định phải nhớ đến điều này: Thành người trước rồi mới thành tài sau, và đừng bao giờ đảo ngược vị trí của chúng.

Ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, có rất nhiều vị phụ huynh thường cố gắng hết sức mình để đem đến cho con điều kiện vật chất tốt nhất, ví dụ như cho con nhiều tiền tiêu vặt hơn, cho con học ở những trường tốt hơn… Thế nhưng, một sự thật phũ phàng là dù cho điều kiện vật chất có ưu việt đến đâu thì chưa chắc trẻ đã có thể “thành người”. Và trong thực tế cuộc sống, có vô vàn ví dụ có thể chứng minh được điều này. Một người đã “thành người” ắt sẽ tìm được lĩnh vực phù hợp với năng lực bản thân mình để “thành tài”, nhưng một người chưa “thành người” đã “thành tài” thì chỉ có thể mang đến nguy hại cho xã hội, cho người khác và thậm chí là cho chính bản thân họ.

Do Thái là một dân tộc rất coi trọng sự tiếp nối về tinh thần, sự coi trọng tri thức của người Do Thái cũng là điều không cần phải bàn cãi. Thậm chí khi con cái còn nhỏ, họ còn đưa cho con một cuốn sách có phủ mật ong, để con được nếm hương vị ngọt ngào của tri thức. Thế nhưng trên thực tế, người Do Thái còn coi trọng giáo dục đạo đức hơn, họ cho rằng đạo đức mới là thứ quyết định mức độ thành công của một người. Ngoài việc dạy con phải biết yêu học tập, nắm bắt tri thức và có trí tuệ ra, những vị phụ huynh Do Thái còn thường xuyên giảng giải cho con về tầm quan trọng của đạo đức, khích lệ con phấn đấu để trở thành một người có phẩm chất cao quý ngay từ khi còn nhỏ. Đối với người Do Thái, đây là những tài sản quý giá hơn nhiều so với tiền bạc và cần phải được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tác giả Do Thái Estun từng nói: “Gia đình nhất định phải là nơi nuôi dưỡng phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người Do Thái.” Người Do Thái bắt đầu sự nghiệp giáo dục phẩm chất đạo đức và nuôi dưỡng thói quen lành mạnh cho con cái ngay từ khi con còn nhỏ. Đối với người Do Thái, đạo đức là tiền đề để con cái làm giàu sau này, là nền tảng để có được một cuộc đời huy hoàng rực rỡ. Họ đem những tiêu chuẩn đạo đức gửi gắm vào những mẩu chuyện nhỏ, để con cái có thể tiếp thu một cách nhẹ nhàng và ghi nhớ sâu sắc. Ngoài ra, họ còn kết hợp giữa thuyết giáo và thực hành, lấy bản thân ra làm gương cho con.

Xem thêm: Văn Hóa Ẩm Thực Là Gì ? Khái Niệm Ẩm Thực Khái Niệm Văn Hoá Ẩm Thực

Con người sẽ trưởng thành trong những nguồn năng lượng khác nhau. Là cha mẹ, khi quyết định sinh ra một đứa con, chúng ta cần xác định rằng bản thân sẽ phải hy sinh và bỏ ra rất nhiều tâm huyết, không chỉ tiền bạc mà còn là thời gian, công sức và rất nhiều thứ thuộc về phạm trù văn hóa. Tất cả mọi nỗ lực của chúng ta đều có chung một mục đích, đó là để nuôi dạy con thành người. Không những phải nuôi dưỡng tố chất văn hóa cho con mà quan trọng hơn là phải nuôi dưỡng cả “mỹ đức” cho con. Một đứa trẻ có “mỹ đức” sẽ có lòng hiếu thuận và tình yêu thương. Những đứa trẻ như vậy sẽ chỉ nhìn thấy những điều tốt đẹp. Nếu như trẻ lớn lên trong một thế giới đầy oán hờn thì những thứ chúng nhìn thấy sẽ chỉ toàn là điều xấu xa, tăm tối: cuộc sống này thật chẳng như ý muốn, đám bạn cùng lớp thật vớ vẩn, thầy cô thật khó chịu… Nếu bạn mang đến cho con một đôi mắt đẹp thì thế giới trong mắt chúng cũng thật tốt đẹp. Muốn con trở thành một người như thế nào trong tương lai, hoàn toàn phụ thuộc vào sự giáo dục của bạn dành cho con ngay từ khi còn nhỏ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *