(BĐT) -Đáng yêu, thân thiện, lém lỉnh là những hình ảnh đã khắc sâu vào trái tim của nhiều thế hệ khán giả về chú chuột Mickey nổi tiếng của Walt Disney. Tuy nhiên, chú chuột bé nhỏ này sở hữu sức mạnh lớn hơn rất nhiều khi đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên đế chế giải trí Disney hiện tại và là “cỗ máy kiếm tiền” thực thụ.

Đang xem: Phim hoạt hình chuột mickey trọn bộ đây tiếng việt

*

Ảnh Internet

Biểu tượng quyền lực

Đã 9 thập kỷ kể từ khi Walt Disney đưa chú chuột Mickey vào cuộc sống thường nhật trên toàn cầu, chiếm trọn trái tim và trí óc của nhiều thế hệ. Thật khó tin khi trong chừng ấy thời gian, chú chuột nhỏ bé, đáng yêu này đã trở thành một trong những nhân vật được biết tới rộng rãi nhất trên thế giới.

Mickey không chỉ là biểu tượng cho sự vươn lên từ thất bại để trở thành đế chế giải trí lừng danh Walt Disney, mà còn là một trong những bài học thành công bậc nhất đối với ngành giải trí nhờ giá trị kinh tế và cảm hứng mà nhân vật này mang lại.

Thật thú vị khi câu chuyện về chú chuột Mickey được bắt đầu từ… một chú thỏ. Năm 1927, Walt Disney sáng tạo nên nhân vật mang tên Oswald – chú thỏ may mắn. Oswald đạt được thành công bước đầu trên nước Mỹ, nhưng chỉ một năm sau đó, Walt Disney mất quyền sở hữu nhân vật này bởi một điều khoản mà ông đã ký trong hợp đồng với nhà sản xuất Univeral Pictures.

Không hề nản chí, Walt Disney làm việc chăm chỉ hơn và kết hợp cùng Ub Iwerks, một trong những nghệ sĩ gắn bó lâu dài bậc nhất với Disney để tạo nên một nhân vật mới với mục tiêu khiến mọi người yêu thích ngay từ cái nhìn đầu tiên. Kết quả là một chú chuột vui vẻ, vô tư, đáng yêu với cái tên… Mortimer ra đời! Đây chính là cái tên đầu tiên của Mickey, trước khi vợ của Walt Disney đưa ra lời khuyên rằng, Mortimer không phải một cái tên vui nhộn như Mickey.

Chú chuột Mickey có màn chào sân vào năm 1928 khi xuất hiện trong bộ phim “Steamboat Willie” – bộ phim hoạt hình đầu tiên sử dụng việc ghi tiếng và nhạc đồng thời. Walt Disney tự mình lồng tiếng cho nhân vật này và thể hiện tính cách cá nhân đáng yêu, thân thiện thông qua hình ảnh chú chuột lém lỉnh. Người xem truyền hình gia tăng mức độ yêu thích với nhân vật và chỉ 2 năm sau, các câu lạc bộ người hâm mộ chuột Mickey đã lan rộng ra khắp nước Mỹ.

Kể từ đó cho tới nay, cộng đồng người hâm mộ Mickey không ngừng mở rộng trên toàn cầu. Chẳng hạn, hình ảnh chú chuột Mickey đã xuất hiện bên cạnh gần như mọi đời Tổng thống Mỹ kể từ Harry Truman; Mickey ghi dấu ấn tại sàn diễn thời trang trong các sự kiện tuần lễ thời trang Paris hay trở thành nhân vật chủ đề tại 12 công viên giải trí Disney trên toàn cầu.

Tháng 11/2018, Mickey đã được tổ chức sinh nhật lần thứ… 90 với quy mô hoành tráng bậc nhất: Một chương trình đặc biệt kéo dài 2 tiếng trong khung giờ vàng của Đài Truyền hình ABC; sở hữu chiếc bánh sinh nhật với kích cỡ tương đương một chiếc xe hơi. Disney hợp tác với hơn 30 nhà thiết kế lừng danh để một lần nữa phủ sóng hình ảnh Mickey trên các sân khấu thời trang toàn cầu; hơn 30 tựa sách đồng loạt xuất bản để ghi nhận những di sản mà Mickey mang tới…

Các lãnh đạo Disney nhận định, nỗ lực kỷ niệm sinh nhật tuổi 90 của Mickey là cơ hội khẳng định thương hiệu và gợi nhắc khán giả về tên tuổi của Tập đoàn, trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngày một gay gắt. Theo đó, Netflix – tên tuổi mới ngành công nghiệp giải trí thâm nhập sâu hơn vào đời sống giải trí của mỗi gia đình, trong khi Disney cũng chuẩn bị cho kế hoạch ra mắt dịch vụ streaming mới. Như vậy, một lần nữa, Mickey lại chứng tỏ vai trò quan trọng bậc nhất đối với gã khổng lồ Disney.

Xem thêm:

Cỗ máy kiếm tiền

Theo Wall Street Journal, chuột Mickey cùng những người bạn của mình (Minnie, Goofy, Pluto và vịt Donald) mang về doanh thu nhượng quyền 3 tỷ USD năm 2018, với các sản phẩm cho cả trẻ em và người lớn.

Chuột Mickey trở thành “cỗ máy kiếm tiền” thực sự ngay khi ra mắt. Trong vòng 5 năm kể từ khi xuất hiện, Mickey giúp Disney thu về 1 triệu USD/năm nhờ doanh thu nhượng quyền (tương đương 19 triệu USD thời điểm hiện tại). Garry Apgar, nhà nghiên cứu lịch sử tại Yale, người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa có liên quan tới tính đại diện của chuột Mickey cho biết, vào giai đoạn này, Disney chủ yếu nhắm tới trẻ em, với các sản phẩm như đồ chơi, giấy dán tường, đồ trang trí…

Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Disney buộc phải có sự cải tổ chiến lược marketing, khi các đối tượng khách hàng lần đầu tiếp cận với chuột Mickey đã bước vào những năm 30 – 40 tuổi.

Nhờ thay đổi chiến lược, năm 1947, tờ New York Times cho biết, các sản phẩm có sử dụng hình ảnh chuột Mickey của Disney dành cho cả khách hàng trẻ em và người lớn mang lại doanh thu lên tới 100 triệu USD. Mặc dù tại thời điểm này, Disney đã sáng tạo thêm các nhân vật như Bạch Tuyết, Pinocchio, Dumbo và Bambi, nhưng Mickey vẫn là “người bán hàng tuyệt vời nhất”. Bên cạnh các sản phẩm dành cho trẻ em, những món hàng bán cho người lớn như radio, máy phát nhạc và đồ dùng cá nhân cũng rất được ưa chuộng. Riêng năm 1947, 600.000 chiếc đồng hồ Mickey đã được bán ở cả kích cỡ dành cho trẻ em và người lớn.

Năm 2004, Mickey chính thức được Forbes vinh danh tại danh sách các “tỷ phú tưởng tượng” – danh sách những nhân vật từ tiểu thuyết, phim và trò chơi tạo nên doanh thu tỷ USD.

Trên thực tế, những sáng tạo không ngừng của Disney đối với hình ảnh chuột Mickey và các sản phẩm ăn theo chú chuột đáng yêu này đã khiến cỗ máy kiếm tiền ngày càng hoạt động hiệu quả. Qua mỗi giai đoạn, Disney đều có những cải tiến đối với hình ảnh Mickey nhằm nâng cao hơn nữa sức hút đối với mọi đối tượng khách hàng, đồng thời khiến người tiêu dùng khó có thể chối từ sức hấp dẫn, xuất hiện tại các sản phẩm phục vụ mọi nhu cầu đời sống. Theo các nghiên cứu thị trường, hình ảnh chú chuột Mickey được 97% khách hàng nhận diện tại Mỹ, thậm chí còn cao hơn cả ông già Noel.

Tháng 3/2019, Gucci bắt đầu bán các túi xách mang hình dáng chú chuột Mickey với giá 4.500 USD. Đây dường như là sản phẩm hạng sang nhất thuộc dòng sản phẩm có liên quan tới hình ảnh Mickey được thiết kế cho đối tượng người trưởng thành. Trong vài tháng qua, Opening Ceremony đã công bố dòng sản phẩm quần áo “sang chảnh” và đồ thể thao in hình ảnh Mickey. Hay Gigi Burris, nhà thiết kế mũ hạng sang đã tạo nên sản phẩm hạt pha lê 450 USD mang hình dáng tai của chú chuột Mickey.

L’Oréal và Maybelline tung ra thị trường các sản phẩm trang điểm với hình ảnh gương mặt Mickey. Kate Spade, Uniqlo… và nhiều thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng khác đều sử dụng hình ảnh chuột Mickey trong một số dòng sản phẩm của mình. Thậm chí, Apple cũng sở hữu tai nghe Beats trị giá 300 USD với cảm hứng tới từ chú chuột này.

Theo Wall Street Journal, chuột Mickey cùng những người bạn của mình (Minnie, Goofy, Pluto và vịt Donald) mang về doanh thu nhượng quyền 3 tỷ USD năm 2018, với các sản phẩm cho cả trẻ em và người lớn. Đáng chú ý, con số ấn tượng này mới chỉ bằng một nửa so với những gì Disney thu về năm 2004, khi Tập đoàn đẩy mạnh hoạt động liên quan tới Mickey nhằm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của chú chuột này.

Xem thêm: Trung Tâm Thi Bằng Lái Xe Máy Hà Nội Giá Chỉ 350K, Thi Bằng Lái Xe Máy Hạng A1 Tại Hà Nội

Lý giải về hiện tượng Mickey, các chuyên gia nhận định, Disney đã chăm sóc cẩn thận cho nhân vật này, để biến chuột Mickey từ một nhân vật hoạt hình trở thành biểu tượng. Gã khổng lồ ngành giải trí này đảm bảo rằng, Mickey sẽ bám rễ sâu vào mọi sản phẩm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Trong đó, Mickey là hình ảnh luôn gợi nhắc tới niềm hạnh phúc trẻ thơ, là hình ảnh của hy vọng tươi sáng, cũng như niềm cổ vũ của mỗi người trong quá trình trưởng thành nhiều áp lực.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *