Phim Perfume: The Story of a Murderer (Kẻ Sát Nhân Không Mùi – 2006) không phải là một câu chuyện nói về nghệ thuật chế tạo nước hoa hay vươn lên vẻ đẹp nào đó như người ta thường nghĩ, đó chỉ là sự đói khát thuần túy của bản năng. Tiếc thay lại có quá nhiều người tự huyễn hoặc bản thân khi xem bộ phim này hoặc khi đọc tác phẩm Mùi Hương của Patrick Süskind. Khi tôi nói như thế không có nghĩa đang tầm thường hóa giá trị và ý nghĩa của bộ phim hoặc tiểu thuyết, ngược lại, bởi sự trần trụi và tàn nhẫn, tác giả của câu chuyện đã cho chúng ta thấy được sự thật về bản chất “mù lòa” của con người và xã hội, họ đang sở hữu những món quà vô cùng quý giá nhưng họ không nhận ra và chà đạp lên nó. IMDb 7.5
Bối cảnh của câu chuyện được bắt đầu ở Paris vào thế kỷ 18, đứa trẻ được sinh ra phía dưới quầy bán cá và bị người mẹ ngó lơ như một xác chết giữa đầy sự tanh hôi tởm lợm của rác rưởi bao quanh, nhưng đứa trẻ đã không chết mà cất tiếng gào thét đầu tiên, tiếng khóc đó đã đưa người mẹ vô cảm lên giá treo cổ. Nhiều lần, cái cuộc sống dưới đáy xã hội ấy muốn cướp đoạt mạng sống mong manh đó, thế mà Jean Baptiste vẫn kiên cường sống đến tuổi trưởng thành, không những thế, gã còn sở hữu một chiếc mũi tốt nhất thế gian. Sau đó gã trở thành kẻ giết người hàng loạt, mục tiêu là các cô gái trẻ, sau khi giết người, gã lột trần họ ra, sau đó… À! Tôi có đi quá nhanh không nhỉ? Thật tiếc là những tình tiết đó lại trở thành điều hấp dẫn đối với nhiều người trẻ tuổi trong thời đại này. Tác phẩm này là một tảng băng trôi, phần chìm của nó thì chúng ta khó tưởng tượng nổi.
Đang xem: Nước hoa: câu chuyện của kẻ sát nhân
Giải thích và phân tích ý nghĩa thông điệp
Giờ thì chúng ta bắt đầu lại, Jean Baptiste sở hữu chiếc mũi tuyệt vời có lẽ không phải do sự ngẫu nhiên, mà bởi vì gã được sinh ra ở một nơi vô cùng tởm lợm, sự hôi thối đó đến với đứa trẻ như một bầu không khí trong lành khi nó vừa biết thở. Con người nhận ra thơm hoặc thối khi họ mang thứ mùi ngửi được ra so với thang đo trung bình quen thuộc của họ, ta gọi mức trung bình này là zero. Vậy, mức zero khi Jean Baptiste bắt đầu cuộc sống chính là sự hôi thối cực kỳ đậm đặc, từ đó dẫn đến một hệ quả là, mọi thứ mùi khác có được trong thế giới này đều trở nên tuyệt vời đối với gã, mọi thứ mùi đều mang trị số “+” khi xét về tính thơm của nó. Trí nhớ của con người phụ thuộc vào sự ấn tượng của điều gì đó lên họ, bởi vì trị số “+” của mùi hương trở nên quá lớn đối với Jean Baptiste nên gã trở thành “siêu phàm” trong việc nhận diện được nó. Mùi hương càng thơm thì sự lôi cuốn càng trở nên khủng khiếp. Đó chính là lý do tôi nhắc đến từ “đói khát” ở đoạn đầu bài viết.
Mùi hương trong câu chuyện chỉ mang tính biểu tượng, bí quyết để hiểu một tác phẩm luôn là câu hỏi liệu “thứ đó” sẽ là biểu tượng cho điều gì mang tính trừu tượng hơn? Nó có thể là một hoàn cảnh sống, ví dụ như khi con người người sinh ra trong hoàn cảnh cực kỳ khốn cùng, thì khát vọng lớn nhất của họ sẽ là tiền tài danh vọng, hoặc khi phải sống trong đói khát quá lâu, thì khát vọng của họ là luôn được ăn uống no say, hoặc khi con người sống trong sự cô đơn cùng cực, ước vọng của họ là có người để chia sẻ.
Vẫn theo cách suy luận đó, từ khi bắt đầu cuộc sống, Jean Baptiste chưa bao giờ cảm nhận được sự yêu thương, nên gã là một con người vô cảm toàn diện. Nhưng tại sao sự yêu thương không đến với gã như cách mà mùi hương đã mang lại? Vì yêu thương thuộc về trạng thái của tinh thần, thân xác không nhận diện được trạng thái tinh thần, trong khi mùi hương lại tạo ra sự đói khát mang tính bản năng. Chính vì vậy, việc giết người của Jean Baptiste chẳng có cái gì gọi là “vị nghệ thuật” hay “vì cái đẹp” hết, nó chỉ đơn thuần là hành động chiếm đoạt của một kẻ vô cảm.
Có thể nói hầu hết người xem đều lầm lạc vì không hiểu, từ đó dẫn đến một nhận định càng lầm lạc hơn, đó là đồng cảm với hành vi giết người của Jean Baptiste, không ít người trong đám đông này còn thần tượng Jean Baptiste. Tất nhiên bản thân tôi có sự cảm thương đối với Jean Baptiste, nhưng không phải trong hành vi giết người, mà là cho cái cuộc đời “khốn khổ” của gã, là vì cái xã hội khốn nạn đã cướp đoạt đi mọi thứ mà một con người xứng đáng được nhận.
Mùi hương tự nó đã có trong bản chất của mọi thứ thuộc về vật chất, và nó tự tỏa ra với môi trường xung quanh, con người sẽ cảm nhận được mùi hương dù muốn hay không, trừ khi họ ngừng hít thở. Sự yêu thương thì khác, con người chỉ cảm nhận được khi đối phương chủ động bày tỏ. Jean Baptiste không có cha lẫn mẹ, gã bị người khác xem như súc vật dùng để mua bán, và họ vắt kiệt sức lao động của gã, đánh đập gã như một con chó, đến cả người thầy dạy gã phương pháp tạo mùi hương cũng chỉ vì lợi ích; cuối cùng thì những kẻ đó được gì? Chỉ có cái chết, họ chết vì thứ mà họ theo đuổi, và bởi vì họ không nhận ra thứ đó mang mầm móng của cái chết.
Khi Jean Baptiste giết người hàng loạt, chúng ta gọi hành vi đó là tội ác, gọi trạng thái tinh thần đó là biến thái, nhưng trong trường hợp này lại không phải nếu xét trong cách nhìn nhận của Jean Baptiste, bởi vì gã vô cảm, gã không hiểu thế nào là tốt xấu hoặc thiện ác. Sự vô cảm của Jean Baptiste cũng là biểu tượng cho sự vô cảm của xã hội đã tạo ra gã, hành vi giết người của gã cũng tượng trưng cho hành vi “giết người” của xã hội đó, chỉ là một bên thì thể hiện rõ ràng, còn bên kia thì trừu tượng.
Đây chính là lúc gã nhận ra gã thiếu thứ gì!
Tại sao là mùi hương của những cô gái? Vì mùi hương của con người gắn liền với bản thể người, nên nó có sức hút lớn nhất đối với bản năng. Trước khi đứa trẻ có một sự nhận thức để biết ai là người thân thiết với nó, thì mùi hương là thứ đầu tiên giúp nó nhận ra người mẹ, xét về bản năng, mùi hương là chất tạo ra sự quyến rũ của giống cái đối với giống đực. Khi trở thành người vô cảm, toàn bộ bản năng của Jean Baptiste đều tập trung vào sự lôi cuốn của mùi hương từ các cô gái.
Nếu chỉ nói về bản năng, tôi đang hạ thấp giá trị tác phẩm, về mặt sâu xa hơn, những vấn đề thuộc về bản năng chính là cầu nối đầu tiên để kéo những con người lại gần nhau hơn, nó cũng là tiền đề giúp con người đạt được sự kết nối về tinh thần, nó tạo ra cảm xúc, sự thân quen, sự chia sẻ cuộc sống và cuối cùng tạo ra thứ được gọi là yêu thương. Nhưng chúng ta hãy xem cách mà con người và xã hội đã đối xữ với thứ nền tảng này. Bản thân con người giống như muôn loài và vạn vật, cũng tự phát tán mùi hương, nhưng cách họ sống trong sự tối tăm và dơ bẩn đã khiến cho bên ngoài họ bao phủ một thứ mùi hôi thối không thể ngửi nổi. Họ không biết quý trọng món quà mà tạo hóa đã ban tặng, họ chà đạp lên nó.
Xem thêm: Bệnh Đau Vai Phải Là Bệnh Gì ? Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị
Tác phẩm này không chỉ phê phán con người và xã hội, mà còn phê phán luôn cả tôn giáo, trong cách mà tôn giáo đã xem những gì thuộc về bản năng mang là nguồn gốc của tội lỗi, tác giả của tác phẩm đã chỉ ra một cách nhìn mới về bản năng con người, một cách nhìn mang tính tích cực.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Ý nghĩa của kết phim
Khi bản năng bị xem nhẹ và bị chối bỏ, nó có mất đi không? Chắc chắn là không, không những thế, bởi vì sự đè nén, nó sẽ càng khiến con người đói khát hơn, và khi bị đói khát, họ tìm mọi cách để chiếm đoạt nó, điều đó sẽ là tiền đề tạo ra sự vô cảm của con người. Sự đói khát cộng với sự vô cảm sẽ tạo ra điều gì? Là những kẻ như Jean Baptiste, gã sẽ mang đến cái chết cho tất cả những ai đang sở hữu thứ mà gã đang đói khát. Hãy nhìn đám đông đã làm gì khi thứ “nước hoa” đó được thả ra, thứ “nước hoa” – biểu tượng cho bản năng được chưng cất ở dạng tinh túy nhất và quyến rũ nhất; đám đông trở nên cuồng loạn, họ đánh mất bản thân, họ không nhớ họ là ai, họ tôn thờ Jean Baptiste như một vị thánh.
Vậy tại sao Jean Baptiste đã khóc khi nhìn vào cảnh đám đông đang cuồng loạn? Gã khóc vì bi thương, ngay lúc đó, gã đã nhận ra một thứ còn quan trọng hơn, quý giá hơn mà gã không có, đó chính là tình yêu, đó là thứ không thể chưng cất được. Như tôi có nói ở trên, mùi hương từ cơ thể người là một thứ chất xúc tác, là con đường dẫn đến tình yêu. Khi gã nhìn vào đám đông, lần đầu tiên trong đời, gã cảm nhận được tình yêu, gã nhớ lại những gì mà gã đã làm, gã hiểu rằng gã hoàn toàn có thể sở hữu mùi hương con người không phải bằng sự chiếm đoạt mà bằng tình yêu, và đó cũng là lúc gã nhận ra tội ác không thể tha thứ của gã.
Khi Jean Baptiste trút cả chai nước hoa lên người, ở giữa đám dân đen cùng đinh giống gã, chúng ta đã thấy gì? Họ đã lao đến như những con thú và ăn sạch Jean Baptiste, trong khi ăn thịt Jean Baptiste, họ nghĩ rằng họ đang hành động vì một thứ tình yêu vô cùng lớn lao, tại sao? Vì họ cũng giống như Jean Baptiste trước đây, quá đói khát và vô cảm, sự vô cảm được tạo ra bởi dốt nát và bẩn thỉu, không biết yêu thương thật sự là gì, tất cả chỉ là sự chiếm đoạt theo cách gần với bản năng nhất, đó là ăn sạch.
Bàn sâu hơn một cấp độ nữa, mùi hương không chỉ biểu tượng cho bản năng, nó còn là biểu tượng cho thực tại của đời sống, cho quá trình hiện sinh của con người. Bất kỳ ai cũng đều mơ ước đạt đến sự vĩnh cữu của sự sống, tình yêu hoặc hạnh phúc; và con người chỉ có thể cảm nhận được sự vĩnh cữu đó thông qua đời sống hiện sinh trong thực tại. Nó giống như mối quan hệ lẫn nhau giữa tình yêu và tình dục, khi hai người yêu nhau, tình yêu sẽ được cụ thể hóa, được cảm nhận trọn vẹn trong hành vi tình dục, khi đạt được điều đó, 2 con người cảm giác như được hòa làm một. Còn những kẻ làm tình chỉ vì sự đói khát của bản năng thì họ đều giống như Jean Baptiste trước khi gã nhận ra sự tồn tại của tình yêu, hoặc giống như đám người lao vào ăn thịt gã.
Bàn xa hơn tí nữa, mọi lời dạy của các thánh nhân, từ Đức Jesus cho đến Đức Phật đều tồn tại tính hiện sinh, còn khi các Ngài khuyên con người đừng mê luyến cõi trần, không phải vì các Ngài xem nhẹ thực tại, mà vì con người quá đói khát những gì thuộc về tính phù du, chính trong sự đói khát vô bờ bến đó, họ đã chà đạp lên thực tại chứ không phải là xem trọng nó. Thực tại chỉ trở nên đáng giá khi con người hiểu được giá trị cốt lõi của nó là như thế nào và nó sẽ giúp ta đạt được điều gì. Thực tại là cánh cửa dẫn đến sự sống vĩnh hằng, cũng là cánh cửa dẫn đến địa ngục và cái chết, vì vậy nhớ cẩn thận khi chọn lối vào.
Tác giả của tiểu thuyết gốc là một người Đức, thêm một lần nữa, chúng ta nhận ra sự phản phất của Faust – tác phẩm này đã ngấm thật sâu vào tư tưởng và văn hóa Đức cũng như châu Âu.
Tựa phim nghĩa là “Hương Thơm: câu chuyện về một kẻ giết người”, nhưng lại được dịch là “Kẻ Sát Nhân Không Mùi”, các bạn có thấy nó bị đảo trọng tâm không? Giống như người ta cắm đầu xuống đất mà đi và 2 chân thì chổng ngược lên trời, người ta yêu thích kẻ giết người và không nhận thấy mùi hương, điều đó cũng y như nội dung mà tác phẩm này đã thể hiện. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người thật sự hiểu được điều đó? Nếu bạn muốn hiểu, hãy đọc thêm những bài viết của tôi, hàng thuần Việt chất lượng cao, không lừa đảo già trẻ (cười), đừng thấy tôi đùa mà xem nhẹ đấy nhé!
Để xã hội tốt đẹp hơn–Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:
Hàng tháng:https://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews
Paypal:https://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806
Bank– Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK:0601 4671 8526
Ví momo:
…………………….
Xem thêm: Học Số Đếm Tiếng Anh Từ 1 Đến 100 Cho Bé Cực Đơn Giản Dễ Thuộc
NhớSharebài viết,LikeChí Blog(Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Những phim cùng chủ đề:
Đêm Lặng – Dark (P2 – 2019): vấn đề triết học trên nền viễn tưởng
Mã Lệnh Chết Người – DEVS (2020): tự do hay tất định ?
7 tội lỗi chết người – Se7en (1995): đời mà! phải không?!
Sự Im Lặng Của Bầy Cừu – The Silence of the Lambs (1991): người, cừu, và nhộng
Joker (2019): nụ cười của nỗi đau
Thiên Nga Đen – Black Swan (2010): con đường của sự hoàn hảo và tự do
Chuyến Tàu Băng Giá – Snowpiercer (2013): sự cân bằng dối trá
Bức Chân Dung Bị Thiêu Cháy – Portrait Of A Lady On Fire (2019): quý bà trong bão lửa
Cô Gái Gián Đoạn – Girl Interrupted (1999): chúng ta điên hay tỉnh?
Chuyện Tào Lao – Pulp Fiction (1994): chuyện tào lao không tào lao
Không Chốn Dung Thân – No Country for Old Men (2007): số phận hay luật lệ ? Không gì cả!