Trong mắt đại đa số người Trung Quốc, Việt Nam là một nước bé tí tẹo, nghèo, chả biết có nói tiếng mẹ đẻ không hay phải vay mượn tiếng nước khác, nhiều phụ nữ Việt Nam sang đây lấy chồng dân tộc, nhiều bà lấy mấy chồng trong vài năm, về đến Việt Nam thì giàu sụ…

Đây là bài đăng được trích từ cuốn sách mới ra mắt của Spiderum: “Du học ký: Vạn dặm có chi?”, hi vọng sẽ mang cho bạn những góc nhìn khác về Trung Quốc nói riêng và chuyện du học nói chung.

Đang xem: Người tài việt nam nghĩ gì về trung quốc

Người Trung Quốc nghĩ gì về người Việt Nam?

Cũng phải mất 5 tháng trời đắn đo với hai cơ hội đi Singapore hay đi Trung Quốc, mình mới ký vào bản hợp đồng sang Thâm Quyến. Công việc trước đó của mình là làm phiên dịch ở phòng phát triển sản phẩm của một công ty chuyên về quà tặng cao cấp. Nghe thì oai thế thôi, chứ công ty hay gọi tắt là “phòng mua”. Ngoài dịch thuật văn bản, tài liệu, mình còn có nhiệm vụ mua hàng trực tuyến bằng tiếng Anh, đón tiếp, đi theo phiên dịch cho sếp khi nhà cung cấp nước ngoài đến thăm công ty.

Do đặc thù các mặt hàng, nên mình chủ yếu phụ trách về đồ công nghệ. Đợt ấy sếp ở Việt Nam có dự án mới nên mình có cơ hội làm việc trực tiếp với sếp người Trung sau này. Lúc đầu qua Skype, email, chốt đơn, rồi có cuộc gặp gỡ tại Hà Nội. Sau khi dự án thành công tốt đẹp, sếp người Trung mình bày tỏ sự ngạc nhiên bởi sao người Việt mà nói tiếng Anh tốt, chuyên nghiệp thế. Một tuần sau ông gửi email cho mình, hỏi mức lương ở công ty đang làm bao nhiêu? Nếu có thể, mời mình sang đây làm, chuyên đi đón tiếp khách nước ngoài đến thăm công ty, sales và giúp công ty chỉnh sửa thông tin sản phẩm, từ khoá, cũng như đầu tư hình ảnh trên Alibaba, lương đề xuất là 1xxx USD/ tháng. (…)

Thâm Quyến, tên tiếng Anh là Shenzhen, là thành phố trực thuộc tỉnh của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Thâm Quyến nghĩa là “con lạch sâu” nhưng tên địa danh này trong tiếng Việt thường phiên âm sai thành Thẩm Quyến. Đây là đặc khu đầu tiên của Trung Quốc do lợi thế nằm giáp Hồng Kông. Địa điểm này được chọn là thử nghiệm mô hình cải cách kinh tế Trung Quốc vì cả dân Thâm Quyến và dân Hồng Kông cùng có chung ngôn ngữ (tiếng Quảng Đông), chung văn hóa và dân tộc, nhưng Thâm Quyến lại có giá nhân công, đất đai rẻ hơn nhiều. Ý tưởng đã thành công rực rỡ, tạo tiền đề cho Trung Quốc đẩy nhanh quá trình cải cách mở cửa kinh tế.

*

Thành phố Thâm Quyến. Ảnh: Wiki

Là một thành phố rất trẻ, nhưng GDP Thâm Quyến hiện nay đã lọt top 10 thành phố giàu có nhất Trung Quốc, chỉ sau Thượng Hải và Bắc Kinh. Có thể nói Thâm Quyến là thiên đường công nghệ, “thung lũng Silicon châu Á”, nổi tiếng với các nhà máy lắp ráp như Foxconn, Apple, Lenovo… Các công ty phần mềm đầu não như Tencent, Baidu, Youku của Trung Quốc cũng nằm vùng ở thành phố này.

Xem thêm: Đầu Cơ Tích Trữ Là Gì – Tội Đầu Cơ Hàng Hóa Trục Lợi

Người ở Thâm Quyến 99% là dân tứ xứ, 1% còn lại dân bản địa cực giàu, bởi họ được chính phủ mua đất với giá rất cao (trước đây Thâm Quyến chỉ là một làng chài nhỏ, sau chính sách của Đặng Tiểu Bình thì trở thành đặc khu kinh tế và phát triển một cách nhanh chóng).

Tầng lớp trí thức, tốt nghiệp đại học, cao đẳng phần lớn đều làm giám đốc và nhân viên văn phòng (chủ yếu làm sales), tầng lớp tốt nghiệp cao trung trở xuống thì làm tại các khu vực nhà máy, xưởng sản xuất và lắp ráp.

*

Thành phố Thâm Quyến. Ảnh: Wiki

Ở Thâm Quyến không có nhiều người Việt như ở các tỉnh gần biên giới Việt Nam (người Việt tập trung nhiều nhất ở tỉnh Quảng Tây), nên khi mình giới thiệu đến từ Việt Nam, rất nhiều phản ứng đủ thể loại ố á khiến mình không khỏi ngỡ ngàng. Tựu trung lại là những câu hỏi sau:

– Việt Nam nói tiếng Trung, tiếng Thái hay tiếng Anh? (Vài bác còn hồn nhiên chào mình Sawadikap)– Người Việt ăn cay không, có món A, B,C như ở bên này chứ?– Việt Nam có rất nhiều xe máy đúng không?– Nghe nói phụ nữ Việt Nam giỏi cơm nước giặt giũ đúng không?– Du lịch đến Việt Nam rất rẻ đúng không?

Vân vân và vân vân. Toàn những câu hỏi nghe rất… khó chịu. Đại ý, trong mắt đại đa số người Trung Quốc, Việt Nam là một nước bé tí tẹo, nghèo, chả biết có nói tiếng mẹ đẻ không hay phải vay mượn tiếng nước khác, nhiều phụ nữ Việt Nam sang đây lấy chồng dân tộc, nhiều bà lấy mấy chồng trong vài năm, về đến Việt Nam thì giàu sụ…

Thế đấy, hóa ra mình không ưa nước họ như thế nào, thì họ cũng chẳng có thiện cảm tốt đẹp với nước mình. Người Việt hay nói “bọn Trung Quốc” nó thâm lắm, muốn chiếm nước mình, rồi hại dân ta bằng cách thải bao nhiêu hàng rởm, hàng giả qua biên giới. Bọn thương lái thì mua sừng trâu, lá non, những loại hàng nghe thì dở hơi với giá cắt cổ, mua chuộc mấy bác nông dân hám lợi nhỏ trước mắt rồi sau đó bốc hơi, để rồi nước mắt lưng tròng, bao lâu sau cũng không hồi lại được vốn. Rồi thì “bọn Trung Quốc” vô văn hóa, đi đâu cũng nói to, khạc nhổ, không có ý thức…

Người Châu Á chúng ta hay nhìn và rêu rao về những mặt tiêu cực, với tư tưởng của Chu Du (trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, đố kỵ với Khổng Minh mà hộc máu chết), ngại khen, ngại công nhận người khác tài giỏi, tốt đẹp hơn. Nhắc đến nhau chỉ “ôi dào, cái nước ấy có gì, nghèo rớt”, kể như trót giàu hơn thì “vì nó là thuộc địa của Mỹ”, nếu toàn trai xinh gái đẹp thì “toàn đi phẫu thuật, để mặt mộc xem” (Hàn Quốc)… Thôi thì cũng thông cảm cho họ, văn hóa tiểu nông ăn sâu quá rồi, con gà thì tức nhau tiếng gáy, và cũng vì chút Chu Du còn sót lại, cả ngàn năm Bắc thuộc còn gì…

Quay trở lại vấn đề Việt Nam trong con mắt của Trung Quốc, là một đứa hiếu thắng nên lúc đầu mình phản ứng khá gay gắt bằng tất cả sự tự hào rằng: nước tôi có ngôn ngữ riêng, tôi cũng học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, nước chúng tôi đã hoàn toàn độc lập dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, quê hương tôi nổi tiếng với danh lam thắng cảnh như vịnh Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, rồi cả áo dài, cà phê…

*

Vịnh Hạ Long. Ảnh: antarikanwesan

Tuy nhiên kỷ niệm khó quên nhất là một lần mình theo sếp đi gặp khách người Qatar. Đi cùng với khách là một bà người Trung với chức năng như phiên dịch. Bà này nom cũng trẻ trung, tiếng Anh bình thường nhưng tỏ ra vô cùng tự tin, nói hết phần người khác. Bả tỏ ra cực kỳ ngạc nhiên khi mình không phải người Trung, còn ông khách thì Việt Nam là cái nước nào, nổi tiếng về cái gì? Mình chưa kịp trả lời, thì vâng, chính là người phụ nữ lắm lời ấy “Her country is famous for WIFE”. Với cái vốn tiếng Anh chưa chuẩn của bả, mình tưởng RICE, nhưng không, mụ ấy lặp lại “WIFE”. Đại ý, ở Trung Quốc, muốn lấy được vợ thì phải có nhà, có ô tô, còn những ông không đủ tiền sẽ lấy vợ Việt Nam, vì lấy gái Việt Nam chỉ cần chút tiền là đủ. Thề là lúc ấy mình chỉ muốn… phi cái dép vào mồm người đàn bà vô học này, nhưng kìm lại được, mình hỏi bạn đã đến Việt Nam chưa? Tất nhiên là chưa rồi, nên mình thêm một bài – rằng thì là chưa biết, chưa đến thì đừng giới thiệu về một quốc gia khác cho bạn bè quốc tế như vậy. Nếu giả sử tôi kể Trung Quốc là cái nước nổi tiếng xấu tính, lũ con gái rặt một lứa thực dụng, lấy chồng vì tiền với một ông không mang quốc tịch Trung hay Việt, bà thấy như nào? Vui chứ?

Thế là bả nín, nín hẳn, sau đó đánh trống lảng sang chủ đề khác. Đó cũng là lần cuối cùng mình gặp bà ta. Mình biết là người Việt sang đây sẽ gặp nhiều thiệt thòi, nhưng không phải vì vậy mà để người ta muốn nói sao thì nói, không phản bác gì. Đôi lúc mình cũng tự nghĩ, có khi mình nói tiếng Anh họ còn đỡ khinh thường, chứ cứ tiếng Trung bập bẹ, chả biết còn bị phân biệt đối xử như thế nào…

Hiện tại, chỉ có mình mình là người nước ngoài ở công ty, khối dân văn phòng gọi tên tiếng Anh của mình – Cherish, còn anh em bên xưởng sản xuất gọi với tên thân mật Tiểu Vũ. Công ty hay đi chơi cùng nhau nhân các dịp sinh nhật nhân viên, cuối tuần mấy cô bạn cùng phòng rủ nhau đi mua sắm, spa gì đó. Dù vốn tiếng Anh của họ chưa đủ lắm, nhưng vẫn nhiệt tình Google translate giúp đỡ, khá đáng yêu và khiến mình có những cái nhìn thiện cảm hơn về Trung Quốc. Họ cũng biết thêm được Hà Nội là thủ đô của Việt Nam, người miền Bắc không ăn cay và người miền Trung có tiếng địa phương nặng như người Hồ Bắc bên này. Rồi Việt Nam có phở ngon như thế nào, công dụng của rau thơm với sức khỏe mà người Trung bỏ qua…

*

Sinh viên Trung Quốc. Ảnh: cafef

Đây cũng là năm thứ 3 mình quay trở lại Thâm Quyến làm việc, tác phong trong công việc, năng lượng tích cực và sự đóng góp của mình cho công ty đều được đền đáp xứng đáng. Đặc biệt là vốn tiếng Trung được cải thiện vượt bậc, nên hiện tại mình đã giao tiếp khá thành thạo với mọi người trong cả công việc lẫn cuộc sống.

Khi con người ta cởi mở với nhau hơn, mọi khoảng cách về địa lý, văn hóa dường như ngắn lại. Mọi người lại mời mình đi các thành phố khác như Vũ Hán, Đông Quản, Quảng Châu, Giang Tây, Trung Sơn, Vân Nam… trong những dịp nghỉ lễ. Mỗi vùng lại một ngôn ngữ địa phương khác nhau, một đặc sản khác nhau, nhưng có đi mới thấy mình được nhiều hơn là mất. Mỗi lần về Việt Nam mình đều đi du lịch đâu đó, khi bạn bè bên này xem ảnh đều trầm trồ, Việt Nam đẹp thế à, cứ nghĩ đây là nước nào đó ở Châu Âu cơ? Và nhất định rồi, có cơ hội, mình sẽ mời họ về Việt Nam, trải nghiệm cái dải đất hình chữ S nhỏ xinh này.

“Mỗi năm các gia đình Việt Nam đang bỏ ra vài tỷ USD đầu tư cho con cái du học – và con số này có xu hướng gia tăng qua từng năm. Điều này cho thấy mong muốn tiếp thu tri thức nơi xứ người đang trở thành một nhu cầu lớn trong xã hội, là một ước mơ không những của riêng các bạn học sinh/sinh viên mà còn là của các bậc phụ huynh.

Xem thêm: Nụ Cười Luôn Nở Trên Môi Nhưng Cuộc Sống Của Tôi Chưa Bao Giờ Là Ổn

Thế nhưng đã bao giờ ai đó tự hỏi rằng trong hàng tỷ đô được chi ra mỗi năm ấy, có bao nhiêu phần trăm là khoản đầu tư hiệu quả cho hành trình du học của các bạn trẻ nơi xứ người? Phải chăng từ trước đến nay chúng ta chỉ đơn giản nghĩ về du học như một lựa chọn vàng, còn miền đất hứa xa xôi nào đó chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc và sự ổn định về sự nghiệp trong tương lai?”…

Đây là bài đăng được trích từ cuốn sách mới ra mắt của Spiderum: “Du học ký: Vạn dặm có chi?”. Nếu bạn quan tâm về các vấn đề liên quan đến du học, thì rất nên mua cuốn sách này ủng hộ tác giả

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *