Dân tộc Việt Nam có truyền thống quý báu đã trở thành đạo lý là: “Thương người như thể thương thân” nhưng ngày nay, khi nền kinh tế phát triển, xã hội tiến bộ thì lại diễn ra một nghịch lý: Con người sống dửng dưng lạnh nhạt với nhau. Đó là lối sống vô cảm đang lan tràn trong học sinh, nó trở thành nguy cơ lớn cho xã hội và là một thách thức không nhỏ đối với sự nghiệp giáo dục.
Đang xem: Nghị luận bệnh vô cảm của giới trẻ hiện nay
1. Khái niệm về tình trạng vô cảm
Vô cảm là trạng thái cảm xúc và thái độ ý thức của một người hay một nhóm người thờ ơ, dửng dưng không biết quan tâm đến mình đến những gì đang diễn ra xung quanh mình. Nói cách khác là không có cảm xúc trước bất kỳ sự việc sự vật nào, không động lòng trước nỗi đau của người khác, không phẫn nộ trước những tệ nạn xảy ra hàng ngày.
2. Biểu hiện và các mức độ của bệnh vô cảm
Bệnh vô cảm lây lan rất nhanh trong xã hội hiện đại, trong học sinh với các mức độ và các biến chứng khác nhau.
– Nhẹ nhất là: người mắc bệnh không biết nói lời “Xin lỗi” khi làm sai hay mắc lỗi và không biết “cám ơn” khi được giúp đỡ. Họ tiếc cả tràng vỗ tay khi giới thiệu về một đại biểu, khi xem một tiết mục văn nghệ, thể thao …
– Nặng hơn họ quên đi trách nhiệm cứu giúp người bị nạn (gặp tai nạn giao thông, cháy nhà, gặp người đau ốm … ) họ đứng xem thậm chí còn lợi dụng cơ hội để đoạt tài sản của người bị nạn (trên các trang mạng, các nữ sinh ở Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng… đánh nhau, xé áo, cắt tóc, các nam sinh và một số bạn dửng dưng quay phim, đứng xem không vào can ngăn mà vừa chửi bới vừa cổ vũ nhiệt tình: cởi áo đi, cởi áo đi, xé áo đi …).
– Hiện tượng vô cảm với chính mình, vô cảm với những thành công, thất bại, với niềm vui hay nỗi buồn với kết quả học tập của bản thân (bị điểm 1, 2 không buồn, được điểm 8, 9 không vui, lạnh nhạt dửng dưng với tất cả …).
– Vô cảm với cộng đồng với sự kiện lớn của dân tộc (bão lụt thiên tai, quyền về biển đảo … ) nhưng lại nhạy cảm về danh vị và quyền lợi của mình. Có trường hợp lại hãnh diện về sự vô cảm của mình đó là sự vô cảm cố ý được đẩy thành lối sống cực đoan, tất cả đều “Mặc kê nó – Mặc kệ nó”
– Có sự vô cảm thụ động dẫn đến sự phủi tay không tham gia vào bất cứ việc gì của lớp, của trường như: văn nghệ, thể thao, cắm trại …
– Có sự vô cảm dẫn đến bất cần đời, không chịu học hành, không tu dưỡng không cần tương lai, mọi cái đều không quan trọng, không có gì cả.
– Cao nhất, vô cảm tự biến mình thành kẻ vô tri vô giác, mọi lời dạy bảo, khuyên nhủ, phê bình không có tác động gì, con người trở nên trơ lỳ, không tự ái, không tự trọng, không xấu hổ …
3. Tác hại, hậu quả của bệnh vô cảm
– Đối với từng cá nhân, từng người: lối sống vô cảm làm tàn phá tâm hồn, làm trái tim con người trở nên chai sạn và dễ dẫn đến tội ác.
– Đối với gia đình, xã hội: vô cảm làm suy thoái đạo đức của một cá nhân hay của một tập thể, đẩy đất nước đến tụt hậu, có thể làm nguy hại đến tính mạng con người và vận mệnh dân tộc.
4. Nguyên nhân của bệnh vô cảm
– Nguyên nhân từ bản thân mỗi người:
+ Có thể những người vô cảm do họ bị ngoại cảnh tác động, hoặc bị cái xấu hãm hại nên mất niềm tin vào cuộc sống.
+ Do lối sống ích kỷ thực dụng, hưởng thụ người ta thấy cuộc sống đơn điệu, vô nghĩa dẫn đến những cảm xúc đạo đức bị hạn chế thậm chí bị triệt tiêu.
+ Một số người sống thiếu bản lĩnh, sống khép mình, sợ va chạm, không muốn những mất mát, khổ đau của người khác đụng chạm vào sự bình an thanh thản trong lòng mình và cuộc sống của mình.
– Nguyên nhân từ gia đình:
+ Một số gia đình chưa coi trọng việc giáo dục con cái về sự đồng cảm, yêu thương giúp đỡ nhau và biết bao dung, tha thứ cho người khác.
+ Có nhiều bậc cha mẹ, phụ huynh thiếu gương mẫu về lối sống và giao tiếp.
+ Cha mẹ quá cưng chiều con nên sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu vô lối của con một cách vô điều kiện, nên tạo cho con lối sống chỉ biết nhận, không biết cho, sống nghèo nàn cảm xúc,vô tâm trước tình người, làm ngơ trước nỗi đau của người khác.
– Nguyên nhân từ nhà trường:
+ Giáo dục phiến diện không đầy đủ, chỉ chủ yếu chạy đua theo thành tích về văn hoá, ít quan tâm hoặc chưa đầy đủ về giáo dục đạo đức (môn công dân chỉ dạy qua loa chiếu lệ vì là môn phụ, không rèn luyện kỹ năng sống) thiên về dạy chữ, nhẹ về dạy người.
+ Hiện nay, một bộ phận giáo viên ít quan tâm đến số phận, hoàn cảnh khó khăn, tâm sự vui buồn của học sinh, có xu hướng phai nhạt tình yêu thương. Đi dạy là trách nhiệm, là nghĩa vụ nên ít gần gũi và xây dựng tình yêu thương gắn bó với học sinh.
+ Môi trường giáo dục bị ảnh hưởng xã hội cũng gây nhiều bất ổn cho giáo dục đạo đức lối sống, giữa lý thuyết và thực tế chênh nhau khá lớn.
– Nguyên nhân từ xã hội:
+ Cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ đã làm thay đổi cách thức làm việc, tư duy, sự giao tiếp làm cho giới trẻ không quan tâm những việc xung quanh, khi thế giới mạng xã hội, những blog xuất hiện, lớp trẻ tự do thể hiện mình – khi giam mình quá lâu trong thế giới ảo sẽ trở nên trầm cảm và vô cảm.
+ Nền kinh tế thị trường một mặt phát huy được một số giá trị đạo đức truyền thống và sản sinh ra những giá trị mới, nhưng mặt khác nó lại tạo điều kiện cho cái tôi phát triển cực đoan, đề cao giá trị vật chất nảy sinh cách sống ích kỷ, lãng quên trách nhiệm cộng đồng.
+ Những tiêu cực của lối sống phương tây qua sách báo, phim ảnh, mạng … làm cho giá trị đạo đức truyền thống bị mai một, con người ít quan tâm lẫn nhau, sống co mình trong thế giới riêng theo kiểu “đèn nhà ai , nhà nấy rạng ”.
5. Biện pháp khắc phục
– Đối với bản thân mỗi người:
+ Hãy sống đúng với chuẩn mực đạo đức của con người trong xã hội, biết yêu thương đùm bọc và chia sẻ lẫn nhau (nhà thơ Li Băng: cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm ngày nữa để yêu thương).
+ Biết học tập noi gương những con người giàu lòng nhân ái, biết sống vì mọi người.
+ Nên tránh xa những tệ nạn xã hội, cảnh giác với lối sống vô cảm.
+ Có nhận thức đúng đắn có niềm tin vào con người vào lòng tốt, biết sửa đổi bản thân mình khi có lỗi lầm trong lối sống dẫn đên tình trạng vô cảm.
– Đối với gia đình:
+ Trước hết, các thế hệ trong gia đình phải biết quan tâm lẫn nhau, từ đó giáo dục, xây dựng lối sống yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.
+ Cha mẹ trong gia đình khi dạy bảo con cái cũng cần phải lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc của con cái, không chỉ dạy con nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hướng dẫn trẻ hiểu biết nguồn gốc của cảm xúc đó. Giáo dục dạy bảo con cháu lối sống đẹp, biết nhận và cũng biết cho, đó vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm.
– Đối với nhà trường:
+ Nhà trường không chỉ dạy chữ mà từ dạy chữ để dạy cách làm người có nhân cách, có đạo đức, có xúc cảm và sự sẻ chia bằng nhiều hình thức dạy lồng ghép qua bộ môn Công dân, qua môn Văn và những sinh hoạt tập thể.
+ Mỗi thầy, cô luôn quan tâm đến đồng nghiệp, chia sẻ với đồng nghiệp những vui buồn và quan tâm thương yêu học sinh bằng tình cảm chân thành nhất.
+ Nhà trường cần giáo dục học sinh lòng tin vào cái tốt, cái thiện, biết tránh xa và phát hiện cái xấu để cảnh giác và đấu tranh với nó.
+ Có kế hoạch và tích cực giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, kỹ năng sinh hoạt tập thể bằng mọi hình thức có sức hấp dẫn lôi cuốn các em tạo ra mối liên hệ mật thiết để các em có điều kiện tiếp xúc cảm thông với nhau.
+ Tổ chức tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa, làm việc từ thiện … học tập noi theo các gương sống tốt, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh để học sinh học tập tu dưỡng và rèn luyện …
– Đối với xã hội:
+ Các cấp có thẩm quyền có kế hoạch xây dựng một lối sống đẹp văn minh thân thiện trong toàn xã hội để tạo dựng niềm tin cho thế hệ trẻ.
+ Tích cực tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức và những gương người tốt việc tốt.
+ Xây dựng hệ thống pháp luật, các chế tài đủ mạnh để trừng phạt những kẻ phạm tội, những kẻ xấu đi ngược lại lối sống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc.
Xem thêm: Vải Nỉ Tiếng Anh Là Gì – What Are The Clothes You'Re
+ Tạo điều kiện cho lớp trẻ sống rèn luyện theo chuẩn mực của xã hội, luôn luôn quan tâm giúp đỡ họ để họ sống tốt hơn, thân ái trong xã hội mới.