Truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn
Bạch Tuyết và bảy chú lùn là một trong những truyện cổ Grimm nổi tiếng khắp thế giới, kể về nàng công chúa xinh đẹp phải trốn chạy bà hoàng hậu ác độc.
Đang xem: Nàng bach tuyet va bay chu lun
Ngày xưa, có một bà hoàng hậu <1> nhan sắc tuyệt trần ngồi khâu bên khung cửa sổ bằng gỗ mun đen bóng. Ngoài trời tuyết rơi lả tả. Đột nhiên kim đâm vào ngón tay hoàng hậu, một giọt máu đỏ tươi rơi xuống nền tuyết trắng xóa. Bà chợt ước áo có được một đứa con gái cũng xinh đẹp như cảnh vật trước mắt.
Quả nhiên, ít lâu sau bà sinh được một cô con gái da trắng như tuyết, môi thắm như giọt máu tươi và tóc đen láy như gỗ mun cửa sổ. Bà đặt tên con là Bạch Tuyết.
Chẳng bao lâu hoàng hậu qua đời và một thời gian sau nhà vua lấy một bà vợ khác. Bà này cũng xinh đẹp khác thường, nhưng tính tình rất kiêu căng, hợm hĩnh <2>. Bà ta có một tấm gương thần <3>. Mỗi lần ngồi trước gương bà thường hỏi:
– Gương kia ngự ở trên tường,Thế gian <4> ai đẹp được dường như ta?
Gương bèn trả lời:
– Hoàng hậu đẹp nhất trên đời,Thế gian ai sánh với Người được đâu!
Truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn
Khi Bạch Tuyết lên bảy tuổi, cô bé bỗng trở nên tươi đẹp như ánh nắng mùa xuân và đẹp hơn cả bà mẹ kế của nàng nữa. Một hôm, ngồi trước gương thần, bà ta lại hỏi:
– Gương kia ngự ở trên tường,Thế gian ai đẹp được dường như ta?
Gương bèn trả lời:
– Xưa kia Người đẹp nhất trần,Ngày nay Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn.
Nghe gương trả lời như vậy, hoàng hậu ghen tức lồng lộn lên. Bụng dạ kiêu căng độc ác, mụ ta gọi một viên quan hầu đến và sai đem ngay Bạch Tuyết vào rừng giết đi, sau đó phải đem trái tim nàng về cho mụ ăn sống để nhan sắc mụ càng xinh đẹp hơn.
Viên quan hầu đem Bạch Tuyết vào rừng. Nhưng phần thì nhớ đến lòng nhân từ của bà hoàng hậu trước, phần thì xót thương cô bé xinh đẹp vô tội, ông bèn kẻ mọi chuyện cho nàng rõ rồi bảo nàng trốn biệt đi đừng trở về cung nữa. Ngay lúc đó có một chú nai con ở đâu chạy đến, viên quan liền đón bắt lấy, mổ bụng con vật ra để lấy quả tim đem về cho mụ hoàng hậu.
Thế là cô bé tội nghiệp lang thang một mình trong rừng. Chim chóc ríu rít vây quanh, muông thú <5> tung tăng chạy theo. Mãi đến xế chiều, Bạch Tuyết mới trông thấy một căn nhà bé nhỏ liền ghé vào định xin nghỉ nhờ. Trong nhà đồ đạc thứ gì cũng nhỏ xíu nhưng sạch sẽ, ngăn nắp. Giữa nhà có một chiếc bàn trải khăn trắng tinh, bên trên bày sẵn bảy bộ đồ ăn xinh xắn: đĩa đựng thức ăn, thìa, dĩa, dao và cả ly rượu đỏ. Hai bên tường kê bảy chiếc giường nhỏ cùng trải khăn trắng tinh tươm.
Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn
Bạch Tuyết đói quá bèn ăn ở mỗi đĩa một chút thức ăn và uống ở mỗi ly một chút rượu, xong nàng đặt mình lên một chiếc giường nhỏ, ngủ một giấc say sưa.
Đến xẩm tối, chủ nhà là bảy chú lùn trở về căn nhà ấm cúng sau một ngày vào trong núi đào mỏ sắt khá vất vả. Họ vừa bước vào nhà, đến bên chiếc bàn ăn, bỗng ngạc nhiên cùng kêu lên:
– Ồ, ai đã ngồi vào chiếc ghế của tôi thế này? Ai đã dùng dao, dĩa và thìa của tôi? Ai đã nếm thức ăn trong đĩa tôi? Ai đã uống trong ly của tôi?
Rồi mọi người nhìn quanh và ngạc nhiên vô cùng khi thấy Bạch Tuyết đang nằm ngủ ngon lành trên chiếc giường thứ bảy. Họ lại cùng kêu lên:
– Chà, một nàng công chúa <6> tuyệt đẹp!
Thế là họ để yên cho cô bé ngủ. Chú lùn thứ bảy đành ngủ chung giường với một chú khác.
Bạch Tuyết và bảy chú lùn
Sáng hôm sau, Bạch Tuyết tỉnh dậy, kể lại cho mọi người nghe hết mọi chuyện. Bảy chú lùn bèn khuyên Bạch Tuyết nên ở lại đây với họ và nàng đừng sợ thiếu thốn gì cả. Họ cũng không quên căn dặn nàng phải luôn luôn ở trong nhà, đề phòng bà mẹ kế tìm đường đến hãm hại.
Thế là Bạch Tuyết ở lại trong căn nhà ấm áp đó, hàng ngày trông nom nhà cửa rất chu đáo. Tối tối, bảy chú lùn đi làm về lại có bữa ăn nóng sốt sẵn sàng.
Về phần mụ hoàng hậu, sau khi ăn sống trái tim của chú nai con xong (mà mụ cứ tưởng là của Bạch Tuyết), mụ lại soi gương và hỏi:
– Gương kia ngự ở trên tường,Thế gian ai đẹp được dường như ta?
Gương trả lời:
– Xưa kia Người đẹp nhất trần,Ngày nay Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn.Nàng ta ở khuất núi non,Tại nhà của bảy chú lùn xa xa.
Truyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn
Mụ ta tái mét mặt lại. Suốt đêm mụ trằn trọc không ngủ lo tìm mưa tính kế làm hại nàng. Hôm sau, mụ ta giả dạng <7> làm một bà già đi bán gương lược. Mù mò đến nhà bảy chú lùn, gõ cửa và rao to:
– Ai mua gương lược chải đầu,Chải vào tóc đẹp gấp bao nhiêu lần!
Bạch Tuyết ló đầu ra xem thấy không phải là bà mẹ kế liền mở cửa chạy ra hỏi mua một chiếc lược. Mụ ta lấy ra một chiếc lược nhỏ xíu bằng ngà bóng đẹp rồi nói:
– Để bà chải đầu thử cho cháu nhé! Ôi chao, tóc cháu đen như gỗ min thế này cơ mà!
Bạch Tuyết để yên cho mụ chải. Nhưng lược vừa chạm vào mái tóc xinh đẹp thì nàng ngã lăn xuống trước cửa chết ngất đi. Thì ra chiếc lược có tẩm sẵn thuốc độc. Mụ già độc ác liền gánh hàng bỏ đi ngay.
Bạch Tuyết và Hoàng hậu
May sao, bảy chú lùn hôm đó bỗng dưng thấy sốt ruột nên về sớm. Họ thấy Bạch Tuyết mê man bất tỉnh <8> ngay trước của liền vực <9> vào nhà. Tìm mãi họ mới thấy chiếc lược nhỏ xíu cài trên tóc, họ vội gỡ ra ngay. Bạch Tuyết dần tỉnh lại bèn kể đầu đuôi câu chuyện. Lần này bảy chú lùn lại căn dặn Bạch Tuyết từ nay chớ có ra ngoài cửa và cũng chớ có mở cửa cho bất cứ ai vào nhà nữa.
Mụ hoàng hậu bữa đó về đến lâu đài, lại ngồi trước tấm gương thần và hỏi”
– Gương kia ngự ở trên tường,Thế gian ai đẹp được dường như ta?
Gương trả lời:
– Xưa kia Người đẹp nhất trần,Ngày nay Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn.Nàng ta ở khuất núi non,Tại nhà của bảy chú lùn xa xa.
Mụ hoàng hậu nghe thấy vậy, uất quá chết ngất đi hồi lâu. Hôm sau, mụ ta ra vườn hái mấy quả táo chín, rồi chọn một quả vừa to vừa đẹp, lại thơm ngào ngạt, đem tẩm thuốc độc vào rất khéo léo. Mụ lại trá hình <10> thành một bà lão nhà quê đến gõ cửa nhà bảy chú lùn.
Bạch Tuyết ngồi bên trong trả lời dứt khoát:
– Cháu không thể cho ai vào nhà được đâu, vì bảy chú lùn cấm không cho ai vào hết!
Mụ già bảo:
– Không sao, không sao! Bà đi thăm con gái về, nó hái cho bà mấy quả tao ngon tuyệt trần. Bà định nghỉ chân một lát. Thôi, bà cho cháu một quả vậy, cháu có muốn ăn không?
Công chúa Bạch Tuyết
Bạch Tuyết mắt hau háu nhìn quả táo tươi ngon hấp dẫn lạ thường. Không cầm được lòng, nàng thò tay ra đón lấy. Nhưng vừa đưa quả táo lên miệng cắn một miếng thì nàng ngã lăn ngay ra chết liền. Mụ hoàng hậu sướng quá hét lên”
– Da trắng như tuyết này! Miệng thắm như son này! Tóc đen như mun này! Thôi từ nay đẹp nhất trần gian phải là ta chứ không phải con ranh nữa nhé!
Về đến cung, mụ lại hỏi gương:
– Gương kia ngự ở trên tường,Thế gian ai đẹp được dường như ta?
Lần này gương trả lời
– Hoàng hậu đẹp nhất trên đời,Thế gian ai sánh với Người được đâu!
Truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn
Tối hôm ấy, bảy chú lùn trở về thì lần này cô bé chết thật, không sao tìm ra dấu vết gì để cứu chữa được nữa. Nhưng trông nàng vẫn tươi đẹp như còn sống vậy. Họ đặt nàng vào trong một chiếc quan tài <11> bằng thủy tinh trong suốt và khóc nàng ba ngày ba đêm liền. Sau họ đặt chiếc quan tài lên đỉnh núi. Bảy chú lùn thay phiên ở lại canh xác nàng. Bạch Tuyết nằm trên đỉnh núi y như nằng ngủ vì da nàng vẫn trắng, miệng nàng vẫn thắm, và tóc nàng vẫn đen.
Năm, tháng trôi qua. Một hôm, tình cờ có hoàng tử ở vương quốc bên đi qua nơi Bạch Tuyết yên nghỉ. Chàng đến gần ngắm người thiếu nữ nằm như ngủ say. Hỏi thăm mới biết câu chuyện đã xảy ra với nàng. Hoàng tử rất đỗi thương xót, bèn bày tỏ tình thực với bảy chú lùn:
– Không được biết thì thôi, đã biết câu chuyện đau thương của Bạch Tuyết, tôi cảm thấy trên đời không thể sống không có nàng được! Tôi nguyện xin đem nàng về thờ phụng <12> như người thân yêu nhất đời của tôi để nàng khỏi phải nằm cô đơn mãi ở nơi hiu quạnh này!
Thấy hoàng tử bày tỏ chân thật nỗi lòng mình, bảy chú lùn bằng lòng để chàng trông nom cỗ quan tài, mặc dầu các chú cũng vô vàn thương nhớ Bạch Tuyết.
Hoàng tử liền ra lệnh cho đám người hầu đặt quan tài lên vai khiêng Bạch Tuyết về cung. Nhưng đi đường núi non gập ghềnh, đám người hồng vấp ngã, cỗ quan tài bị xô đẩy mạnh suýt rơi xuống đất. Bất ngờ, miếng táo trong cổ họng Bạch Tuyết văng ra. Nàng tỉnh dậy mở mắt và ngồi nhỏm ngay lên. Biết rõ sự việc và trước lời khẩn khoản của hoàng tử là người đã cứu mình thoát chết, Bạch Tuyết nhận lời theo chàng về cung để trở thành người thân yêu nhất đời của chàng từ đó.
Bạch Tuyết và Hoàng tử
Mụ hoàng hậu mẹ kế của Bạch Tuyết cũng được mời đến dự lễ cưới của hoàng tử và Bạch Tuyết. Sau khi trang điểm phấn son, xiêm áo <13> thật đỏm dáng <14>, mụ soi gương và hỏi:
– Gương kia ngự ở trên tường,Thế gian ai đẹp được dường như ta?
Gương liền trả lời:
– Ở đây Người đẹp tuyệt trần,Nhưng hoàng hậu trẻ muôn phần đẹp hơn.
Giận sôi người lên, nhưng mụ cứ gắng gượng thử đến xem bà hoàng hậu trẻ kia là ai mà dám đua tranh sắc đẹp với mụ ở trên đời này.
Vừa bước vào phòng cưới, thoáng trông thấy Bạch Tuyết đang sánh vai ngồi với hoàng tử, nhan sắc nàng còn tưới xinh, lộng lẫy hơn trước gấp ngàn lần, mụ ta bỗng nổi cơn máu uất <15> lên đến cực độ lăn đùng ra chết. Và lần này mụ ta chết thật!
Chú giải trong truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn
<1> Hoàng hậu: vợ vua.
<2> Hợm hĩnh: lên mặt, làm cao, khinh người.<3> Tấm gương thần: tấm gương soi có phép lạ.<4> Thế gian: chỉ chung mọi người sống ở trên đời<5> Muông thú: chỉ các loài động vật có bốn chân nói chung.<6> Công chúa: con gái vua.<7> Giả dạng: mượn hình dáng của người khác, để mọi người không nhận ra được mình.<8> Bất tỉnh: mê man không biết gì nữa, ngất đi.<9> Vực: nâng lên để chuyển đi chỗ khác (người ốm đau hoặc bị thương).<10> Trá hình: mang một hình dạng khác, để mọi người không nhận ra được mình.<11> Quan tài: thứ hòm đựng xác người chết để đưa đi chôn.<12> Thờ phụng: chăm sóc một cách hết sức kính cẩn.<13> Xiêm áo: váy và áo của phụ nữ.<14> Đỏm dáng: (ăn mặc) chải chuốt, có ý làm dáng, làm cho xinh đẹp hơn.<15> Máu uất: cơn giận dữ ghê gớm.
Ý nghĩa của truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn
Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác, đó là quan niệm khá phổ biến trong dân gian và cũng là điều mơ ước thiết tha về lòng công bằng của nhân dân lao động từ xưa tới nay. Quan niệm và ước mơ đó thường được phản ánh sâu sắc trong nhiều truyện cổ tích ở nước ta cũng như trên thế giới. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn là một ví dụ điển hình về chủ đề đó. Câu chuyện này được anh em nhà Grimm giới thiệu lần đầu vào năm 1812, và nhanh chóng trở thành một trong những truyện cổ Grimm được yêu thích nhất trên khắp thế giới.
Truyện cổ tích nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn hàm chứa nhiều bài học có giá trị trong cuộc sống. Để tự bảo vệ mình, các bé hãy thận trọng với những người xa lạ, không để họ vào nhà và phải biết lắng nghe những lời khuyên chân thành từ những người yêu thương mình.
Xem thêm: Chân Gà Ngâm Sả Ớt Để Được Bao Lâu Thì Ăn Được? Chân Gà Ngâm Sả Tắc Để Được Bao Lâu
Truyện cũng cho thấy sự ghen tuông sẽ chỉ khiến cho con người ta trở nên xấu xa, nguy hiểm và cuối cùng sẽ làm hại chính mình.