Tác giả: Học viện Quân yChuyên ngành: Ký sinh trùngNhà xuất bản:Học viện Quân yNăm xuất bản:2008Trạng thái:Chờ xét duyệtQuyền truy cập: Cộng đồng

Đại cương động vật chân đốt

Động vật chân đốt là ngành động vật không có xương sống, có số lượng loài rất lớn, có khoảng trên 1.000.000 loài. Chúng sống ở đất, nước hoặc bay nhảy tự do trong không gian ở khắp nơi trên trái đất, sống tự do hoặc kí sinh. 

Môn kí sinh trùng y học nghiên cứu về đặc điểm hình thể, sinh lí, sinh thái, vai trò y học và cách phòng chống những loài động vật chân đốt có liên quan đến y học như: ruồi, muỗi, ve, mò, bọ chét, chấy, rận…

Đang xem: Loài nào thuộc ngành chân khớp có số lượng lớn nhất thế giới

*

Hình : Một số động vật chân đốt truyền bệnh ở người.

Đặc điểm hình thể.

Cấu tạo bên ngoài:

Động vật chân đốt có cấu tạo chung:

Thân chia thành đầu, ngực, bụng rõ rệt hoặc đầu giả và thân.

Chân, râu (anten), pan (palpe) là những bộ phận có cấu tạo phân đốt, đối xứng.

Thân có vỏ cứng bao bọc (exoskeleton), lớp vỏ này cấu tạo bằng lớp kitin và một lớp hoà tan trong nước (arthropodin), được coi như là bộ xương của động vật chân đốt. Lớp vỏ này không liên tục, gián đoạn theo từng phần của cơ thể, nối liền hai mảnh cứng có một màng kitin mỏng, có thể co giãn được nhưng rất hạn chế, vì vậy muốn lớn lên động vật chân đốt phải lột xác. Lớp vỏ cứng này có chức năng giống như da bao bọc che chở các cơ quan bên trong, hạn chế sự mất nước, ngoài ra nó còn có chức năng giống như một bộ xương để các cơ bám vào đó tạo hình dạng của động vật chân đốt (hình 14.1, 14.2).

Phân giới đực và cái riêng biệt.

*

Hình : Hình thể bên ngoài muỗi và ve.

Cấu tạo trong:

Hoàn thiện hơn ngành giun sán, các cơ quan tuần hoàn, bài tiết, tiêu hoá… đã phát triển. Đặc biệt cơ quan sinh dục rất phát triển và tương đối hoàn thiện (hình 14.3, 14.4).

Hệ tiêu hoá:

Miệng động vật chân đốt là vòi để châm hút hoặc để gặm nhấm. Tiếp theo là họng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn, có hai tuyến nước bọt giúp cho tiêu hoá được dễ dàng.

Hệ tuần hoàn: 

Gồm có những xoang máu ở mặt lưng, máu từ các xoang này đổ vào các xoang rỗng ở toàn thân, máu không có nhiệm vụ vận chuyển oxy mà chỉ mang chất dinh dưỡng. “Máu” thực chất chỉ là dịch tuần hoàn lưu chuyển được nhờ một cơ quan bơm “máu” gọi là “tim”.

*

Hình : Hình thể bên trong của ve.

*

Hình : Cấu tạo bên trong của muỗi.

1.Họng; 2. Thực quản; 3. Ống tuyến nước bọt; 5. Hạch ngực;

6.Điều; 7. Dạ dày; 8. Ruột sau; 9. Trực tràng; 10. Ống Manpighi.

Hệ thần kinh: 

Là những hạch nối với nhau như dây xích ở bụng, cuối cùng được nối với một hạch to hơn ở mặt lưng, gần thực quản, được coi như “não” của động vật chân đốt.

Hệ hô hấp:

Động vật chân đốt thở bằng mang hoặc khí quản tùy loại sống trên cạn hoặc dưới nước.

Hệ cơ: thuộc loại cơ vân, bám trực tiếp vào mặt trong lớp vỏ kitin, để vận động bay, nhảy, bơi…

Hệ bài tiết: là những ống Malpighi có chức năng bài tiết giống những ống thận đơn giản.

Hệ sinh dục: phát triển tương đối hoàn thiện.

Cơ quan sinh dục đực gồm: tinh hoàn, túi tinh, các tuyến phụ và càng sinh dục.

Cơ quan sinh dục cái gồm: buồng trứng, ống dẫn trứng, âm đạo, túi chứa tinh. Một số loài như chấy, rận… có tuyến tiết chất dính để gắn trứng vào với nhau hoặc bám lên tóc, quần áo…

Đặc điểm sinh học.

Đặc điểm sinh thái:

Động vật chân đốt muốn tồn tại, phát triển cần những điều kiện thiên nhiên thích hợp: nguồn thức ăn, nơi trú ẩn, nơi sinh đẻ… Những điều kiện này phụ thuộc vào yếu tố lí, hoá, sinh học của môi trường như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ xốp của đất, các chất hữu cơ, pH, các muối hòa tan, tốc độ gió, động thực vật và yếu tố địa hình khu vực.

Nghiên cứu sinh thái của động vật chân đốt là nghiên cứu mối quan hệ qua lại giữa động vật chân đốt và những điều kiện của môi trường.

Nếu điều kiện thiên nhiên thích hợp, động vật chân đốt phát triển thuận lợi, số lượng tăng lên nhiều, nếu điều kiện thiên nhiên không thích hợp, số lượng ít đi. Hiện tượng tăng, giảm về số lượng cá thể gọi là mùa phát triển của động vật chân đốt. Mỗi loài động vật chân đốt thường phân bố trên từng khu vực nhất định gọi là vùng phân bố của động vật chân đốt.

Sự phát triển của động vật chân đốt chịu sự tác động của yếu tố mùa, vùng rõ rệt. Do đó những bệnh do động vật chân đốt truyền thường là những bệnh diễn biến theo mùa và vùng.

Khả năng thích nghi của động vật chân đốt với khí hậu: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió, mưa đều có tác động đến sinh thái của động vật chân đốt. Khí hậu có thể tạo điều kiện thuận lợi cho động vật chân đốt phát triển, hoạt động với mức độ cao. Điều kiện tối thiểu chỉ giúp cho động vật chân đốt sinh tồn nhưng khó phát triển và hoạt động. Trong những tháng rét lạnh, nhiều động vật chân đốt có khả năng vượt đông để duy trì cuộc sống nhưng không vận động hoặc không phát triển đáng kể.

Khả năng thích nghi của động vật chân đốt với quần thể sinh vật: động vật chân đốt sống ở ngoại cảnh nhất thiết phải quần sinh với một số sinh vật khác, ở đó động vật chân đốt tránh những yếu tố không thuận lợi và tìm đến những yếu tố thuận lợi. Ví dụ: ruồi, nhặng sống gần người và dựa vào những chất thải như phân, rác của người.

Khả năng thích nghi của động vật chân đốt với các yếu tố bất lợi:

Động vật chân đốt có khả năng thích nghi để đối phó lại những yếu tố chống lại chúng bằng cách tìm môi trường khác sống thuận lợi hơn.

Khi thiếu vật chủ thích hợp, động vật chân đốt có thể tạm thời kí sinh ở những vật chủ không thích hợp.

Những can thiệp của con người (dùng các biện pháp xua, diệt động vật chân đốt) cũng có thể dần dần làm thay đổi sinh thái của động vật chân đốt, chúng không những không chịu tiếp xúc với hóa chất mà còn có thể chuyển hoá những hóa chất đó để tạo nên sự quen hoặc sức đề kháng với hóa chất.

Khả năng thích nghi của động vật chân đốt với các yếu tố chống lại chúng có thể tạo nên những biến động sinh thái của động vật chân đốt. Vì vậy, đòi hỏi phải có những biện pháp chống động vật chân đốt tận gốc như cải tạo môi trường và ngoại cảnh, nhân giống những động vật có khả năng diệt động vật chân đốt.

Đặc điểm sinh lí:

Thức ăn của động vật chân đốt rất đa dạng: máu, mủ, dịch mô hay các tổ chức bị giập nát của vật chủ. Có loài động vật chân đốt chỉ kí sinh trên một vật chủ được gọi là loài “đơn thực”. Ví dụ: chấy, rận chỉ kí sinh ở trên người, thức ăn chỉ là máu người, không ăn máu các loài động vật khác. Có loài động vật chân đốt kí sinh trên nhiều loài vật chủ, có thể là người hoặc các loài động vật khác, đó là loài “đa thực”. Ví dụ: bọ chét Xenopsylla cheopis kí sinh cả trên người, cả trên chuột, chó, mèo…

Loài đơn thực chỉ truyền bệnh trong từng loài vật chủ, loài đa thực truyền bệnh cho nhiều loài vật chủ khác nhau. Ví dụ: chấy, rận chỉ truyền bệnh cho người, bọ chét truyền bệnh cho cả người và chuột…

Vòng đời:

Vòng đời động vật chân đốt thường phát triển qua 4 giai đoạn: trứng (eggs) – ấu trùng (larvae) – thanh trùng (nympha) – trưởng thành (imago). Đây là loại vòng đời thường gặp trong thiên nhiên như vòng đời của muỗi, ve, mò… 

Có một số loài động vật chân đốt đẻ ra ấu trùng không có giai đoạn trứng, như một số ruồi (Glossina), nhặng xám (Sarcophagidae)… những loài này mỗi lần đẻ không nhiều, từ 1 đến 15 ấu trùng.

Ở giai đoạn thanh trùng, một số loài hình thành nhộng (pupa) không ăn, không hoạt động, như ruồi (Muscidae), ruồi vàng (Simulidae)…

Vai trò y học.

Những động vật chân đốt có vai trò y học phần lớn là những ngoại kí sinh trùng hút máu (trừ ruồi nhà, gián), chúng có thể truyền bệnh và gây bệnh. Vai trò chủ yếu của chúng là truyền bệnh, vai trò gây bệnh chỉ là thứ yếu nhưng đôi khi cũng gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Vai trò gây bệnh:

Gây bệnh tại vết đốt và dị ứng: động vật chân đốt khi hút máu truyền độc tố gây đau, dị ứng, mẩn ngứa, lở loét, hoại tử (mò đốt), nặng hơn có thể viêm tấy cục bộ, choáng, tê liệt (bọ cạp hoặc ve đốt).

Gây bệnh tại vị trí kí sinh: bọ chét Tunga kí sinh ở da, ấu trùng ruồi Gasterophilidae kí sinh ở dạ dày, cái ghẻ Sarcoptes scabiei kí sinh ở da…

Vai trò truyền bệnh:

Bệnh do động vật chân đốt truyền gọi là bệnh có vật môi giới (vector), có đặc điểm:

Thường là những bệnh nguy hiểm, có thể chết người: dịch hạch, sốt rét…

Bệnh phát thành dịch, lây lan nhanh: sốt xuất huyết, viêm não B Nhật Bản…

Bệnh thường xảy ra theo mùa, khu trú ở từng địa phương: viêm não, sốt mò…

Bệnh lây lan giữa người với người, giữa người với động vật.

Tiêu chuẩn xác định động vật chân đốt là vector truyền bệnh:

Động vật chân đốt phải hút máu người hoặc sống gần người.

Mầm bệnh phát triển trong động vật chân đốt đến giai đoạn lây nhiễm.

Mùa phát triển của động vật chân đốt phù hợp với mùa của bệnh.

Gây nhiễm thực nghiệm có kết quả.

Phương thức truyền bệnh của động vật chân đốt:

Động vật chân đốt truyền bệnh theo hai phương thức: đặc hiệu và không đặc hiệu.

Truyền bệnh đặc hiệu (truyền sinh học): trong thiên nhiên nhiều loại động vật chân đốt chỉ truyền được một hoặc hai loại mầm bệnh nhất định, những mầm bệnh này tăng sinh, phát triển ở động vật chân đốt. Các hình thức phát triển hoặc tăng sinh của mầm bệnh ở động vật chân đốt:

Mầm bệnh trong động vật chân đốt tăng sinh đơn thuần về số lượng từ một mầm bệnh ban đầu sau một thời gian tăng lên hàng ngàn cá thể trong động vật chân đốt như vi khuẩn dịch hạch trong bọ chét.

Mầm bệnh không tăng sinh về số lượng chỉ phát triển từ giai đoạn chưa lây nhiễm được đến giai đoạn có khả năng lây nhiễm. Ví dụ: ấu trùng giun chỉ trong muỗi.

Mầm bệnh vừa tăng sinh số lượng vừa phát triển giai đoạn như kí sinh trùng sốt rét trong muỗi.

Ngoài ra còn có một vài loại mầm bệnh được động vật chân đốt truyền cho đời sau qua trứng như mầm bệnh Rickettsia orientalis ở mò…

Do quá trình biến đổi trong cơ thể động vật chân đốt, mầm bệnh muốn truyền được sang người hoặc sang vật chủ khác cần phải có thời gian. Thời gian này phụ thuộc vào từng loại mầm bệnh và nhiệt độ của môi trường.

Ví dụ: Plasmodium falciparum muốn phát triển được trong muỗi, nhiệt độ của môi trường phải lớn hơn 160C, Plasmodium vivax phải trên 14,50C.

Truyền bệnh không đặc hiệu (truyền cơ học): động vật chân đốt chỉ đơn thuần mang mầm bệnh từ nơi này đến nơi khác. 

Mầm bệnh dính bám trên động vật chân đốt, truyền vào thức ăn, nước uống của người, mầm bệnh không sinh sản, biến đổi trong động vật chân đốt nên không cần có thời gian. Những động vật chân đốt truyền bệnh theo phương thức không đặc hiệu có vai trò quan trọng (ruồi nhà, nhặng xanh, gián…) vì thường xuyên tiếp xúc với người.

Mầm bệnh còn có thể ở trong ống tiêu hoá của động vật chân đốt, rồi theo chất bài tiết mà lây sang người. Một số mầm bệnh như trứng giun, sán, kén đơn bào có thể tồn tại trong cơ thể động vật chân đốt suốt trong quá trình sống của nó. Tác hại của phương thức này rất lớn.

Khả năng truyền bệnh của động vật chân đốt:

Động vật chân đốt có thể truyền hầu hết các loại mầm bệnh kí sinh trùng, vi khuẩn, virut cho người và động vật:

Muỗi Anopheles truyền kí sinh trùng sốt rét, giun chỉ. Ví dụ: An.minimusAn.dirus là những vector chính truyền sốt rét ở Việt Nam, tập trung ở một số vùng sốt rét trọng điểm như vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên…

Muỗi Culex truyền giun chỉ, viêm não B Nhật Bản…

Muỗi Aedes truyền bệnh sốt vàng, sốt xuất huyết Dengue, giun chỉ, và một số virus khác.

Muỗi Mansonia truyền giun chỉ. Ở Việt Nam một số vùng có ổ dịch giun chỉ như các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng: Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương…, một số tỉnh duyên hải miền Trung: Khánh Hoà, Quảng Bình…

Muỗi cát Phlebotomus truyền Leishmania (ở Việt Nam đã phát hiện bệnh nhân mắc Leishmania: Hải Dương, Quảng Ninh…).

Ve truyền Rickettsia và virus viêm não châu Âu.

Xem thêm: Chỉ Là Nỗi Nhớ Mãi Đến Sau Cuộc Tình Đã Lỡ, Chỉ Là Nỗi Nhớ Mãi Đứng Sau Cuộc

Mò truyền Rickettsia orientalis gây bệnh sốt mò, Việt Nam có ổ bệnh sốt mò ở Mộc Châu, Sơn La.

Ruồi ngủ Tsetse (Glossina) truyền Trypanosoma gây bệnh ngủ châu Phi. Ruồi vàng (Simulium) truyền bệnh mù đường sông. Ruồi trâu (Tabanidae) truyền giun chỉ Loa loa. Những bệnh này chưa gặp ở Việt Nam.

Ruồi nhà, nhặng, gián truyền mầm bệnh vi khuẩn: tả, lị, thương hàn, lao, trứng giun sán, kén đơn bào, virut bại liệt, viêm gan… trong các vụ dịch tả, ruồi nhà có vai trò truyền bệnh rất quan trọng.

Chấy rận truyền sốt phát ban chấy rận.

Bọ chét truyền dịch hạch, ở Việt Nam có bọ chét Xenopsylla cheopis truyền dịch hạch, đã phát hiện được một số ổ dịch nhỏ ở Tây Nguyên.

Vai trò của động vật chân đốt trong ổ bệnh thiên nhiên:

Động vật chân đốt có vai trò quan trọng trong sự tồn tại và lưu hành của những bệnh có ổ bệnh thiên nhiên. Động vật chân đốt là vật môi giới (vector) nhiều khi còn là vật dự trữ mầm bệnh: mò Leptotrombidium deliense mang mầm bệnh sốt mò Rickettsia orientalis suốt đời và truyền sang đời sau.

Do mầm bệnh phát triển trong động vật chân đốt, nên mùa phát triển bệnh phụ thuộc vào mùa phát triển của động vật chân đốt. Ví dụ: mầm bệnh virus viêm não Nhật Bản B chỉ phát triển trong muỗi khi nhiệt độ trên 200C, mùa phát triển là mùa xuân – hè, ít gặp trong mùa đông. Vật môi giới là những động vật chân đốt hút máu đảm bảo sự truyền mầm bệnh từ động vật này sang động vật khác.

Phân loại động vật chân đốt.

Theo phân loại hiện nay, ngành động vật chân đốt được chia làm bốn ngành phụ là: Trilobitomorpha, Chelicerata, Branchiata (Crustacea)Tracheata (Uniramia), trong đó có khoảng hơn mười lớp nhưng các có hai lớp có vai trò y học chủ yếu là lớp nhện Arachnida thuộc ngành phụ Chelicerata và lớp côn trùng (Insecta) thuộc ngành phụ Tracheata (Uniramia).

Lớp nhện (Arachnida):

Đặc điểm hình thể:

Là những động vật chân đốt mà cơ thể là một khối hình bầu dục gọi là idiosoma, miệng có bộ phận hút là kìm, không có anten, không có cánh, có 4 đôi chân, mỗi chân gồm 6 đốt. 

Lớp nhện có một số loài thở bằng khí quản (ve, mạt), có loài thở qua da (cái ghẻ). Bộ máy tiêu hoá có cấu tạo đặc biệt: có nhiều ngăn, chứa được rất nhiều máu, vì vậy khi ăn no thân lớn rất nhiều so với lúc đói.

Vòng đời và phân loại:

Vòng đời: phát triển thường qua 4 giai đoạn: trứng – ấu trùng – thanh trùng và trưởng thành. Hình thể ấu trùng gần giống trưởng thành nhưng chỉ có 3 đôi chân.

Phân loại: lớp nhện có nhiều bộ, nhưng có hai bộ liên quan đến y học: bộ Linguatula, và bộ ve (Acarina): 

Bộ Linguatula: đáng chú ý Linguatula serrata và Porocephalus armillatus.

Bộ ve: ve – mò – mạt – cái ghẻ.

Lớp côn trùng (Insecta):

Côn trùng trưởng thành: có 3 đôi chân, thân chia thành 3 phần rõ rệt: (đầu, ngực, bụng), có vòi.

Đầu: thường có mắt. Có 2 loại mắt, mắt đơn và mắt kép (mắt kép gồm nhiều mắt đơn ghép lại), mắt thường to chiếm gần hết đầu. Có 2 râu (anten) có từ 3 – 15 đốt. Có 2 pan, còn gọi là súc biện, cũng chia đốt. Có 1 vòi để hút thức ăn, vòi có cấu tạo phức tạp gồm những bộ phận: hàm trên, hàm dưới, môi… để giúp cho việc hút máu hoặc nghiền, liếm thức ăn.

Ngực: có 3 đốt, dính thành một khối, chia 3 thành phần: ngực trước, ngực giữa, ngực sau, mỗi phần ngực mang một đôi chân. Chân côn trùng chia nhiều đốt: đốt hông, đốt háng, đốt đùi, đốt cẳng và đốt bàn chân. Trên ngực còn có một hoặc hai đôi cánh, cũng có loài côn trùng không có cánh. Trên cánh có gân dọc, gân ngang, có lông hoặc vảy phủ trên các gân.

Bụng: có từ 5 – 11 đốt, đốt cuối cùng thường là bộ phận sinh dục đực hoặc cái.

Vòng đời và phân loại:

Vòng đời phát triển của côn trùng thường qua bốn giai đoạn: trứng – ấu trùng – thanh trùng và trưởng thành. Lớp côn trùng chia thành hai nhóm: nhóm phát triển biến thái hoàn toàn và nhóm phát triển biến thái không hoàn toàn.

Nhóm phát triển biến thái không hoàn toàn: Các giai đoạn phát triển ấu trùng có hình thái tương tự như con trưởng thành, chỉ khác về kích thước, cơ quan sinh dục. Trong nhóm này có hai bộ liên quan đến y học:

Không cánh: bộ Anoplura (bộ Chấy rận).

Bốn cánh: bộ Hemiptera (bộ Rệp) gồm họ Rệp và họ Bọ xít.

Nhóm phát triển biến thái hoàn toàn: Các giai đoạn ấu trùng và trưởng thành rất khác nhau và trải qua giai đoạn chuyển tiếp là nhộng. Nhóm này gồm những bộ liên quan đến y học là:

Không cánh: bộ Siphonaptera (tên cũ là Aphaniptera, bộ Bọ chét).

Hai cánh: bộ Diptera. Bộ hai cánh được phân loại theo số đốt của râu và đường costa trên cánh:

Râu dưới 3 đốt: bộ phụ Brachycera, trong đó có họ Tabanidae (có hai chi liên quan đến y học là ChrysopsTabanus), họ Muscidae, Sarcophagidae, Oestridae.

Râu trên 3 đốt: bộ phụ Nematocera. Bộ này gồm các họ sau:

Costa chạy tới đầu cánh: 

Râu ngắn: họ Simulidae (ruồi vàng).

Râu dài: họ Chiromomidae (dĩn, gián).

Costa chạy vòng quanh cánh: 

Trên gân cánh có lông: họ Psychodidae có chi Phlebotomus (muỗi cát) và Lutzomyia liên quan đến y học. 

Trên gân cánh có vẩy: họ Culicidae (muỗi).

Ngoài cách phân loại như trên, người ta còn phân loại động vật chân đốt theo vai trò của chúng đối với y học.

Phòng chống động vật chân đốt.

Nguyên tắc:

Phòng chống động vật chân đốt truyền bệnh trên quy mô rộng lớn nhưng có trọng tâm trọng điểm. Hầu hết các bệnh kí sinh trùng do động vật chân đốt truyền là bệnh xã hội, phổ biến, nhiều người mắc, dễ lây lan. Bệnh do động vật chân đốt truyền có nhiều, không thể đồng loạt phòng chống mà phải chọn những bệnh nào đó có hại nhiều đến sức khoẻ, sức sản xuất của từng vùng, cân nhắc khả năng khống chế được bệnh với điều kiện vật chất kĩ thuật có thể có được. Ví dụ: muỗi truyền bệnh sốt rét ở Tây Nguyên, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ở thành phố, nơi đông người… Nhiều bệnh kí sinh trùng do động vật chân đốt truyền khác có thể sẽ giảm dần trên cơ sở đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội ngày càng được nâng cao.

Phải có kế hoạch phòng chống động vật chân đốt trong thời gian lâu dài, liên tục, dựa vào kế hoạch hành chính của chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, vì các bệnh do động vật chân đốt truyền thường kéo dài, tái nhiễm liên tiếp.

Phòng chống động vật chân đốt truyền bệnh phải là công tác của quần chúng, xã hội hoá công việc phòng chống, lôi cuốn cộng đồng tự giác tham gia. Vì mức độ phổ biến của bệnh do động vật chân đốt truyền liên quan đến hàng triệu người nên mọi người phải hiểu biết về bệnh để tự giác tham gia. Người làm công tác chuyên môn phải biết tuyên truyền giáo dục, vận động, giúp cho mọi người dân hiểu biết, tự nguyện phòng chống. Nhiệm vụ của ngành Y tế là phải tham mưu cho chính quyền thấy rõ được tác hại của các loài động vật chân đốt truyền bệnh bằng những số liệu thuyết phục, đề xuất được những kế hoạch cụ thể, hiệu lực trong việc phòng chống.

Kết hợp nhiều biện pháp với nhau, từ thô sơ đến hiện đại, kết hợp các biện pháp cơ – lí – hóa – sinh học để phòng chống động vật chân đốt truyền bệnh. 

Lồng ghép việc phòng chống động vật chân đốt truyền bệnh với các hoạt động/các chương trình, các dịch vụ y tế, sức khoẻ khác. Kết hợp phòng chống động vật chân đốt truyền bệnh với việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nhất là ở tuyến cơ sở.

Biện pháp chung:

Biện pháp cơ học – lí học: phá bỏ những ổ động vật chân đốt, thay đổi môi trường làm mất nơi trú ẩn hoặc nơi sinh đẻ của chúng. Đối với động vật chân đốt trưởng thành có thể bắt, đập, bẫy, quạt, hun khói, xua đuổi cách li không cho tiếp xúc với người… biện pháp này đơn giản dễ làm, nhưng muốn đạt hiệu quả cao mọi người để phải tham gia, tốn nhiều công sức.

Biện pháp hoá học: dùng các hoá chất có hiệu lực để diệt động vật chân đốt khi chúng tiếp xúc hoặc ăn phải các hoá chất đó. Cần lựa chọn hoá chất, lựa chọn cách thức sử dụng, không tạo điều kiện để động vật chân đốt kháng thuốc, không gây ô nhiễm môi trường.

Biện pháp sinh học: sử dụng kẻ thù tự nhiên của động vật chân đốt để diệt chúng, hoặc làm giảm mật độ động vật chân đốt gây hại. Ví dụ: dùng kiến để diệt rệp, cá ăn bọ gậy… hoặc dùng phương pháp tiệt sinh: sử dụng những kĩ thuật làm giảm sức sinh sản của động vật chân đốt hay làm biến đổi cấu trúc di truyền của động vật chân đốt. Phương pháp này có thể diệt được động vật chân đốt mà không gây độc cho người và môi trường.

Biện pháp cụ thể:

Do có nhiều loại động vật chân đốt truyền bệnh khác nhau nên không thể cùng một lúc tiến hành phòng chống mọi loại động vật chân đốt. Phải căn cứ theo yêu cầu, khả năng thực hiện để xây dựng kế hoạch phòng chống động vật chân đốt có trọng tâm trọng điểm. Với từng loại động vật chân đốt, căn cứ theo sinh thái mà áp dụng các biện pháp khác nhau để phòng chống một cách toàn diện. Có ba phương pháp chính: 

Phương pháp cơ học – lí học:

Bắt và diệt các côn trùng trung gian truyền bệnh, cải tạo môi trường làm phá vỡ, hạn chế điều kiện phát triển, bất lợi cho loài động vật chân đốt truyền bệnh, phương pháp này không gây ô nhiễm môi trường.

Phá bỏ những ổ động vật chân đốt, thay đổi môi trường làm mất nơi ẩn, nơi sinh đẻ của chúng, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, phá nơi sinh sản cư trú của động vật chân đốt.

Đối với động vật chân đốt trưởng thành có thể bắt, đập, bẫy, hun khói, xua đuổi cách li không cho tiếp xúc với người… biện pháp này đơn giản dễ làm, nhưng muốn đạt hiệu quả cao mọi người đều phải tham gia, tốn nhiều công sức.

Phương pháp hoá học:

Nguyên lí của biện pháp này là dùng các hoá chất độc để diệt động vật chân đốt khi chúng tiếp xúc hoặc ăn phải hoá chất, hoặc dùng những chất có mùi đặc biệt làm cho côn trùng sợ không dám tấn công vào vật chủ.

Cần lựa chọn hoá chất, lựa chọn cách sử dụng, không tạo điều kiện để động

Vol 30; ĐS/2005 Vol 30; ĐS/2005

vật chân đốt kháng thuốc, không gây ô nhiễm môi trường. Phương pháp này có tác dụng nhanh, trên phạm vi rộng. Thường sử dụng các nhóm thuốc sau: 

Nhóm thuốc xua: dùng những hoá chất có mùi đặc biệt để xoa lên những chỗ da hở, hoặc tẩm vào màn, lưới, quần áo… làm cho côn trùng sợ phải bỏ đi.

Có nhiều thuốc xua côn trùng có tác dụng tốt như tinh dầu xả, DEP (diethyl phtalat), DMP (dimethyl phtalat)…

Nhóm thuốc diệt: nhóm này bao gồm nhiều hoá chất:

Nhóm hoá chất vô cơ: xanh Paris, acetoarseniat đồng… Các hoá chất này thường được thả xuống nước để diệt ấu trùng động vật chân đốt trong nước.

Nhóm hoá chất clo hữu cơ: dichlorodiphenyltrichloroetan (DDT) hoặc hexachlorocychlohexan (HCH, 666) methoxychlor… Các hoá chất này được sử dụng từ lâu, diệt côn trùng nhanh, tồn lưu lâu nhưng có nhược điểm gây độc cho người và động vật, làm ô nhiễm môi trường.

Nhóm lân hữu cơ: malathion, fenthion, dichlorodivynilphosphat (DDVP)… Các chất này có tác dụng diệt động vật chân đốt nhanh nên thường được sử dụng khi cần dập tắt nhanh các ổ dịch. Thuốc tồn lưu ngắn (thường từ 15 ngày tới 3 tháng), rất độc đối với người và động vật nên khi sử dụng cần đề phòng nhiễm độc.

Nhóm carbamat: những chất kháng enzym cholinesterase thường dùng để diệt bọ gậy tồn lưu lâu nhưng giá thành đắt nên ít được sử dụng.

Nhóm pyrethroid: pyrethrin tự nhiên là những chất chiết xuất từ hoa cây thuộc họ cúc, chi Chrysanthenum. Pyrethrinoid tổng hợp: permethrin, deltamethrin, lamdacyhalothrin (ICON), trebon… Các hoá chất thuộc nhóm này có tác dụng tốt diệt động vật chân đốt, ít độc với người, hệ số an toàn cao, ít gây ô nhiễm môi trường.

Cách sử dụng hoá chất: tùy theo đặc tính lí, hoá và độ an toàn mà các hoá chất kể trên có thể được sử dụng dưới các dạng: phun tồn lưu, phun dưới dạng sương mù, dạng khói, tẩm màn hoặc quần áo. Dùng hoá chất dưới dạng nào cũng phải đảm bảo yêu cầu diệt được động vật chân đốt nhưng không gây độc cho người, động vật, không làm ô nhiễm môi trường. Để tránh hiện tượng động vật chân đốt kháng hóa chất cần sử dụng chúng đúng mục đích, đúng kĩ thuật không để dư thừa và có kiểm soát, cần thường xuyên theo dõi mức độ kháng để kịp thời thay đổi hoá chất hoặc phối hợp các biện pháp. Cách tăng liều hoá chất, rất ít sử dụng vì gây độc cho người và động vật.

Phương pháp sinh học:

Sử dụng kẻ thù tự nhiên của động vật chân đốt để diệt chúng, hoặc làm giảm mật độ động vật chân đốt gây hại. Ví dụ: dùng kiến để diệt rệp, dùng cá để ăn bọ gậy muỗi, ấu trùng muỗi Toxorhychites hoặc Culex ăn ấu trùng muỗi khác…, hoặc dùng một số loại virut, vi khuẩn, nấm để diệt muỗi hoặc bọ gậy muỗi.

Phương pháp tiệt sinh: là phương pháp sử dụng những kĩ thuật làm giảm sức sinh sản của côn trùng gây hại hay làm biến đổi cấu trúc di truyền của động vật chân đốt. Có thể vô sinh con đực (bằng hoá chất hoặc tia X, γ hay β, vô sinh bằng phương pháp lai ghép tạo con lai F1 vô sinh) rồi thả vào thiên nhiên, những côn trùng đực vô sinh này có khả năng giao phối cạnh tranh với quần thể ngoài tự nhiên để sinh ra thế hệ lai không có khả năng sinh sản hoặc mất khả năng truyền bệnh. Phương pháp này có thể diệt được một loài động vật chân đốt, không gây độc cho người, không gây ô nhiễm môi trường, nhưng cần thời gian dài và thực hiện ở một khu biệt lập để động vật chân đốt ở khu vực xung quanh không di chuyển tới.

Động vật chân đốt và chiến tranh sinh học.

Ngành động vật chân đốt được chia thành 4 ngành phụ, trong đó có nhiều lớp nhưng lớp côn trùng (insecta) và lớp nhện (arachnida) có vai trò quan trọng trong truyền những tác nhân sinh học.

Động vật chân đốt vừa có khả năng gây bệnh vừa có khả năng vận chuyển và truyền mầm bệnh (tác nhân sinh học) cho người. Ví dụ về khả năng gây bệnh của động vật chân đốt: một số loài động vật chân đốt khi hút máu truyền độc tố gây đau, dị ứng, mẩn ngứa (vết loét do mò đốt) hoặc có thể gây choáng, tê liệt nhiễm độc và chết (bọ cạp, rết độc). Khả năng gây bệnh của động vật chân đốt cho người rất hạn chế nhưng khả năng vận chuyển và truyền tác nhân sinh học cho người thì vô cùng to lớn và nguy hiểm .

Một số loài động vật chân đốt chỉ nhiễm mầm bệnh một lần mà có khả năng truyền mầm bệnh qua nhiều thế hệ sau.

Người ta có thể tạo ra các loài động vật chân đốt lạ có khả năng vận chuyển và truyền các tác nhân sinh học đã được gây biến đổi gen, kháng thuốc và rất nguy hiểm. 

Người ta cũng có thể tạo ra các loài động vật chân đốt có khả năng chịu đựng, dung nạp và kháng các hoá chất diệt.

Trong chiến tranh sinh học, kẻ địch có thể dùng động vật chân đốt như là một vật mang, vận chuyển hay truyền những tác nhân sinh học, gây ra những vụ dịch lớn, nhằm tiêu diệt đối phương.

Động vật chân đốt có thể vận chuyển và truyền rất nhiều loại mầm bệnh (tác nhân sinh học) cho người và động vật:

Mầm bệnh là kí sinh trùng: ruồi Glossina truyền Trypanosoma gây bệnh Chagas (bệnh ngủ), muỗi cát (Phlebotomus) truyền Leishmania gây bệnh Kala-aza (bệnh sốt đen).

Mầm bệnh là vi khuẩn: ruồi nhà, nhặng, gián truyền bệnh tả, lị, thương hàn, lao, bọ chét truyền bệnh dịch hạch (Yersinia pestis).

Mầm bệnh là virut: muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (Dengue), viêm não B Nhật Bản. Ve truyền bệnh viêm não ve, bệnh sốt Colorado.

Mầm bệnh là Rickettsia: mò truyền bệnh sốt mò, ve truyền bệnh sốt Q, chấy rận truyền bệnh sốt phát ban.

Chính vì động vật chân đốt có khả năng truyền được nhiều mầm bệnh nguy hiểm như vậy nên nó có vai trò rất quan trọng trong khủng bố sinh học. Thực tiễn cho thấy kẻ thù đã sử dụng nhiều loài động vật chân khớp mang những mầm bệnh nguy hiểm tấn công vào đối phương. 

Ví dụ: sử dụng vai trò truyền bệnh của bọ chét mang mầm bệnh Y.pestis như: 

Thời kỳ năm 1346 – 1347, quân đội Tác Ta đã phản công thủy quân Thiên Chúa Giáo bằng cách sử dụng súng phóng đá, bắn xác những người Tác Ta chết vì bệnh dịch hạch vào quân Genoe. Dịch hạch bùng phát và quân đội Genoe đã phải rút quân về.

Các hoạt động quân sự của Pháp ở Ai Cập vào năm 1798 đã gặp phải trở ngại lớn vì bệnh dịch hạch và đã hủy bỏ cuộc tấn công vào Alexandria.

Trong chiến tranh thế giới thứ II, quân đội Nhật Bản đã thành lập đơn vị chuyên nghiên cứu vũ khí sinh học (đơn vị 731). Sau những nghiên cứu tạo ra loài bọ chét (Pulex irritans) có sức đề kháng cao, có tính chọn lọc vật chủ là người và lây truyền vi khuẩn dịch hạch vào quần thể chuột tại địa phương. Tháng 10/1941, Nhật Bản đã thả xuống Chanteh (Trung Quốc) nhiều hàng hoá hỗn tạp như lúa mì, lúa, đồ bông, len… Kết quả sau 2 tuần đã có nhiều người dân ở đây bị chết vì dịch hạch.

Những năm tiếp theo, Mĩ và Liên Xô (cũ) đã phát triển kĩ thuật phân tán vi khuẩn dịch hạch trực tiếp vào không khí mà không phụ thuộc vào bọ chét.

Xem thêm: Đồng Hồ Máy Cơ Là Gì ? Ưu Nhược Điểm Của Đồng Hồ Máy Cơ Bạn Nên Biết

Năm 1970, Tổ chức Y tế thế giới thông báo, nếu tung 50 kg Yersinia pestis vào không khí một thành phố 5 triệu dân, thì có khoảng 150.000 người mắc bệnh dịch hạch thể phổi và sẽ có khoảng 36.000 trường hợp tử vong.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *