Dạo ấy tôi được về Pác Bó với Bác Hồ, hằng ngày được Bác dạy dỗ. Bác nhận tôi là cháu, tôi gọi Bác bằng chú: Chú Thu.
Đang xem: Thiếu nhi kể chuyện bác hồ
Còn vài ngày nữa thì Tết. Tôi nóng lòng muốn về thăm nhà. Tôi đến xin với Bác.
– Chú cho cháu về Bản với chị em.
Bác bảo:
– Bọn đế quốc đang chờ dịp Tết để bắt mình. Cháu về tức là đem thân nộp miệng cọp đấy. Không được về, tôi ấm ức khóc. Bác dỗ tôi như mẹ dỗ con. Bác lấy cho tôi chiếc khăn tay có hoa đỏ và một cái tỏi gà luộc.
Bác Hồ hiểu rất rõ tục lệ của người Tày: Họ rất quý trẻ nên mổ gà bao giờ cũng dành tỏi gà cho các em nhỏ.
Bác bảo:
– Quà Tết của cháu đấy! Cháu lau nước mắt đi rồi ăn tỏi gà. Ở đây cháu sẽ vui như ở nhà thôi.
Tôi thấy nguôi nguôi trong lòng.
– Cháu nín đi. Ra giêng chú cho cháu về thăm nhà.
Tôi nghe lời Bác, vui vẻ ở lại.
Mồng 1 Tết, bà con dân bản đem cam, bánh đến mừng tuổi Bác, Bác ân cần chúc Tết bà con, Bác bóc cam chia cho các em nhỏ, Bác còn tặng mỗi người một phong giấy đỏ có gói một đồng xu mới tinh làm quà Tết.
Cái Tết ở Pác Bó tuy đơn sơ nhưng rất ấm cúng. Lần đầu tiên tôi ăn Tết xa nhà. Được sống trong tình thương của Bác, tôi thấy chẳng khác nào được sống trong gia đình, bên người cha kính yêu của tôi.
(Theo lời kể của đồng chí Nông Thị Trưng, trích trong cuốn Bác Hồ với thiếu nhi)
2. Bác giáo dục cháu Phương Văn Đan
Ở khu lán tập thể bí mật tại thung lũng Sum Đắc, mặc dù rất bận công việc chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa toàn quốc, Bác vẫn dành thời gian chăm lo đến đời sống của đồng bào và giáo dục các cháu.
Nghe nói cháu Phương Văn Đan hay quấy nhiễu đòi ăn, Bác để ý quan sát tìm hiểu nguyên nhân. Bác phát hiện ra cháu hư là do cha mẹ cháu nuông chiều. Mỗi lần cháu quấy đòi ăn là cha mẹ cháu đã vội vàng lo tìm cái ăn cho cháu ngay, bất kể lúc nào, miễn sao cháu nín là được. Do vậy, cháu ăn uống không có giờ giấc, đói lúc nào là mè nheo đòi ăn lúc ấy. Thương cháu, các chị cấp dưỡng có gì cũng đem cho cháu, khi thì vét ít cơm nguội, lúc ít cháy, lúc khác lại bát cháo…
Bác gọi bố mẹ cháu và các chị cấp dưỡng đến phê bình lối nuông chiều không đúng ấy.
– Phải tập cho cháu ăn uống điều độ từ bé, nhất là ở tập thể, càng phải phục tùng nội quy. Các cô, các chú không nên chiều chuộng cháu, cháu sẽ quen và hư nết đi.
Từ bữa đó, Bác tự mình “uốn nắn” cháu. Lúc đầu cháu rất nhờn với mọi người, nhưng riêng với Bác, cháu lại đặc biệt ngoan ngoãn, biết nghe lời. Bác bảo ban cháu từng li từng tí, chẳng bao lâu cháu tiến bộ trông thấy. Cháu biết ăn uống điều độ, không hay quấy rầy như trước nữa. Đối với tất cả mọi người, cháu đã biết vâng lời, lễ phép.
(Trích trong cuốn Người ở nguồn, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội)
3. Có phải cháu là Hiếu không?
Tháng 11 năm 1946, một trí thức 38 tuổi có bằng Tiến sĩ Văn khoa và Cử nhân Luật của Pháp, rất ngạc nhiên khi nhận được tấm danh thiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời lên gặp.
Trong lần gặp này, Bác đã trực tiếp giao cho anh đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Anh băn khoăn thưa với Bác là chưa tham gia công tác cách mạng bao giờ. Bác Hồ đã ân cần động viên anh: “Cứ làm đi rồi sẽ làm được”. Lời động viên thân ái ấy đã là sức mạnh to lớn giúp Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đem hết tâm trí ra góp phần xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục của nước ta cho đến tận những giờ phút cuối cùng của đời mình.
Hôm Bác sang Pháp cùng đoàn đại biểu Việt Nam đi dự Hội nghị Phôngtennơblô, trong đó có anh, tình cờ tại sân bay Gia Lâm, Bác thấy đồng chí Phạm Văn Đồng bế một cháu gái nhỏ khoảng 4 tuổi. Bác rất vui khi biết đấy là “con gái của bố Huyên”. Cháu bé tên là Hiếu. Bác đón lấy cháu Hiếu và chỉ bế một lát thôi nhưng về sau Bác vẫn không quên cháu bé gái này.
Trong kháng chiến chống Pháp, khi chưa đầy 10 tuổi, bé Hiếu không may bị ốm liệt giường vì bệnh lao xương. Khi biết tin, Bác Hồ đã cho người tìm thuốc và cao hổ cốt để giao cho “chú Huyên” đem về chạy chữa cho bé. Mỗi lần họp Hội đồng Chính phủ, Bác lại hỏi thăm anh Huyên về sức khỏe của bé: “Hiếu đã khỏi chưa? Nếu cháu bắt đầu chơi đùa được là không đáng lo đâu”.
Năm 1953, bé Hiếu đã hoàn toàn lành bệnh và được cùng một số thiếu nhi Việt Nam sang học tập tại nước bạn. Bác rất vui khi được báo tin này. Bác tìm một hộp sữa và một mảnh vải kaki màu vàng để “chú Huyên” mang về cho bé Hiếu. Bác còn dặn: “Chú bảo cô may gấp cho cháu một cái áo bằng mảnh vải này nhé”.
Nhiều năm trôi qua, một lần tại Hà Nội, Hiếu được cùng một số “cháu ngoan Bác Hồ” lên Phủ Chủ tịch và được gặp Bác. Bác Hồ ân cần thăm hỏi từng cháu một. Khi nghe Hiếu mạnh dạn thưa: “Cháu là con bố Huyên”, Bác đã ôm lấy đầu em và âu yếm hỏi: “Có phải cháu là Hiếu không?”.
Ôi, tấm lòng của một vị Chủ tịch nước đối với một cháu bé gái mà Người chỉ có dịp bế trong giây lát từ những ngày đầu cách mạng!
Bác ơi, Bác có biết không, đứa cháu gái bé bỏng và ốm yếu ấy giờ đây đã là một bác sĩ trung tá quân y ngày đêm đang tận tình cứu chữa thương bệnh binh tại một bệnh viện lớn nhất của quân đội ta.
(Trích trong cuốn Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội)
4. Trong Đại hội anh hùng, chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước
Đại hội năm ấy, có sáu thiếu nhi đi dự, được Bác rất quan tâm. Hôm cuối Đại hội, các cháu rất vinh dự được lên ghế Đoàn Chủ tịch với Bác.
Sướng quá, các cháu chạy ùa lên. Bác Hồ và Bác Tôn kéo ghế ra cho các cháu đứng vào cạnh hai Bác.
Trong đoàn thiếu nhi có Hoa Xuân Tứ bị cụt cả hai tay. Bác Hồ chăm chú nhìn Tứ, kéo Tứ lại gần. Bác giới thiệu với Đại hội:
– Dân tộc ta rất anh hùng, người lớn anh hùng, thiếu nhi cũng rất anh hùng. Như cháu Hoa Xuân Tứ này, cụt hai tay mà vẫn học giỏi.
Rồi chỉ vào Đinh Thị Lê Kim, cô bé “Ba đảm đang”, Bác bảo:
– Cả cô bé hạt mít này cũng học lớp 6 rồi đấy.
Bác bắt nhịp cho Đại hội hát bài “Giải phóng miền Nam”, Bác không hát nhưng vỗ tay theo nhịp, mắt Bác nhìn trìu mến.
Sau đó tất cả đại biểu anh hùng và tập thể anh hùng cùng các cháu thiếu nhi được chụp ảnh chung với Bác. Bác đứng giữa, các cháu thiếu nhi vây quanh.
… Bác lại cho đoàn đại biểu thiếu nhi được gặp riêng Bác.
Ngồi quây quần quanh Bác, các cháu được Bác hỏi tên từng người. Bác chia cho mỗi cháu một cái bánh, Bác hỏi:
– Về dự Đại hội, các cháu muốn nói gì nữa không?
Đinh Thị Lê Kim kể với Bác hồi ở Thái Lan, Kim không được học, phải đi bán bánh, bị cảnh sát đánh. Kể đến đây, Kim khóc. Bác vỗ vai an ủi Kim, rồi Bác kể chuyện Bác hoạt động ở Thái Lan, Bác khen thiếu nhi ta rất anh hùng, dù là ở trong nước hay ngoài nước.
… Các cháu lại được chụp ảnh chung với Bác, hát cho Bác nghe bài “Nguyễn Bá Ngọc, người thiếu niên dũng cảm”.
Khi các cháu thiếu nhi ra về, Bác Hồ đứng trông theo cho đến khi xe của các cháu rời bánh.
(Trích trong cuốn Kể chuyện Bác Hồ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội).
5. Người đội viên danh dự của Đội Thiếu niên tiền phong Lênin Liên Xô
Năm 1962, đồng chí Hồ Trúc (Bí thư – Trưởng ban thiếu nhi Trung ương đoàn) dẫn đầu Đoàn cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam sang tham quan Liên Xô.
Một lần, đoàn rất xúc động được đến dự buổi kết nạp đội viên danh dự của Đội Thiếu niên Tiền phong Lênin Liên Xô.
Bước vào buổi lễ, sau phần nghi thức trang nghiêm, một em trong Ban chỉ huy liên đội long trọng đọc quyết định của Đội kết nạp đồng chí Hồ Chí Minh làm đội viên danh dự của Đội Thiếu niên Tiền phong Lênin Liên Xô. (Theo truyền thống, Đội Thiếu niên Tiền phong Lênin Liên Xô thường kết nạp những nhân vật tiêu biểu trên các lĩnh vực hoạt động làm đội viên danh dự của đội như khi đồng chí Iura Gagarin bay vào vũ trụ, Đội Thiếu niên Tiền phong Lênin Liên Xô đã kết nạp anh làm đội viên danh dự của Đội).
Bản quyết định kết nạp đội viên cùng khăn quàng đỏ, huy hiệu Đội được đặt trong một hộp kính trao cho Đoàn đại biểu phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam, nhờ chuyển đến Bác Hồ kính yêu.
Đồng chí Hồ Trúc thay mặt Đoàn tiếp nhận và đã nhờ Sứ quán ta ở Liên Xô chuyển ngay về nước báo cáo với Bác Hồ.
Ngày 12 tháng 8 năm 1962, Bác Hồ đã gửi thư cho đội viên Thiếu niên Tiền phong Lênin Liên Xô theo địa chỉ trên. Trong thư có đoạn viết: “Bác cảm ơn những món quà quý báu: Lá cờ, khăn quàng và huy hiệu của các cháu.
Bác đã nhân danh các cháu chuyển cho một đội thiếu nhi khá nhất ở Hà Nội.
Bác rất vui lòng nhận là “Đội viên danh dự” của Đội các cháu”.
(Trích trong cuốn Kể chuyện Bác Hồ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội).
6. Một cuộc đối thoại sinh động
Một lần, thăm trại thiếu nhi Tiệp Khắc gần Praha, Bác Hồ đã có một cuộc đối thoại sinh động với các cháu:
– Các cháu thân mến! Các cháu có biết Bác là ai không?
– Ano (có ạ). Strycek Hồ! (Bác Hồ). Các cháu ríu rít trả lời.
– Bác từ nước nào đến?
– Việt Nam! Tất cả đồng thanh nói to.
– Các cháu có yêu học tập không?
– Ano!
– Có yêu lao động không?
– Ano!
– Bác Hồ rất yêu các cháu. Các cháu có yêu Bác Hồ không?
– Ano! Nhiều cháu chen nhau xin được hôn Bác. Bác cười đôn hậu nói vui:
– Bác Hồ gầy, các cháu hôn Bác nhiều quá, Bác sẽ gầy hơn. Các cháu hãy cử đại biểu đến hôn Bác vậy.
Tất cả cười ngặt nghẽo.
7. Bác Hồ đến thăm gia đình cháu đó
Năm 1956, Bác Hồ ra thăm đảo Cát Bà, vào một xóm chài.
… Bác vào nhà một gia đình đánh cá ở đầu xóm. Người lớn đi vắng cả. Chỉ một em gái nhỏ đang nấu cơm. Bác hỏi em nhỏ:
– Bố mẹ cháu đi đâu?
Em bé đứng dậy, lễ phép thưa:
– Bố cháu đi đánh cá, mẹ cháu ra chợ ạ. Em bé ngước nhìn ảnh Bác Hồ treo trên vách, rồi nhìn Bác, lại nhìn tấm ảnh, rồi quay lại nhìn Bác.
Chợt mắt em sáng lên, em chạy lại gần Bác Hồ và reo lên:
– Bác Hồ!
Đồng chí Bí thư Huyện ủy nói:
– Bác Hồ tới thăm gia đình cháu đó.
Bác ôm lấy em nhỏ, chỉ bếp lửa, quay lại nói với một đồng chí đi theo:
– Nồi cơm đang sôi, chú ra ghế giúp cháu kẻo khê.
Bác vừa cho em nhỏ kẹo vừa hỏi:
– Cháu mấy tuổi?
– Thưa Bác, cháu lên tám ạ!
Bác mỉm cười khen:
– Tám tuổi mà đã thổi cơm giúp cha mẹ là ngoan.
Một thanh niên mình trần, da lấm tấm nước biển bước nhanh vào nhà. Thuyền anh vừa đến bến, nghe bà con nói Bác Hồ tới thăm nhà nên anh chạy vội về.
Thấy Bác, anh chạy lại chào:
– Kính Bác ạ!
Rồi anh định với lấy cái áo treo trên vách mặc vào người, Bác biết ý, nắm lấy vai anh ngăn lại.
– Chú cứ đứng đây!
Bác ngắm khổ người vạm vỡ của anh thanh niên.
– Dân đánh cá phải mạnh khỏe như chú hoặc hơn nữa mới được.
Bác hỏi thăm về tình hình đời sống.
Anh thanh niên vui sướng báo cáo với Bác là ngày nào vợ chồng cũng có cơm no, con cái được học hành.
Bác gật đầu, rồi cúi xuống hỏi em bé:
– Cháu học lớp mấy rồi?
– Cháu học lớp hai ạ!
Bác tỏ vẻ hài lòng và bảo đồng chí đi theo lấy cho cháu một tờ báo Việt Nam còn thơm mùi giấy và mực in, Bác đã đem từ Hà Nội ra đảo với ý định làm quà cho bà con ngoài này.
Xem thêm: Trai 6 Múi Che Mặt – Tả Cây Vú Sữa (Dàn Ý + 10 Mẫu)
Bác vỗ vai anh thanh niên:
– Thôi chú sửa soạn ăn cơm kẻo đói! Những chuyến sau ra biển cố đánh thật nhiều cá.